Báo cáo về "Thị trường lao động trong làn sóng Covid thứ 4: Thực trạng và hướng đi" do Tập đoàn Navigos Group công bố mới đây cho biết, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra. Đồng thời, có khoảng 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này, 7,3% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra, và 18,9% chọn cắt giảm lương và phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hằng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin (CNTT) và xuất - nhập khẩu vẫn cam kết đảm bảo số lượng người lao động, mức lương và các chế độ phúc lợi trong đợt dịch kéo dài lần này. Trong đó, có 28,8% là doanh nghiệp có quy mô từ 10 - 50 nhân lực; 24,1% là doanh nghiệp có quy mô từ 101 - 300 nhân lực; 16,2% là doanh nghiệp có quy mô 51 - 100; 16,2% là doanh nghiệp có quy mô hơn 1.000 nhân lực.
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng một ngành công nghệ thông tin vẫn có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Dựa trên khảo sát, mức độ tăng trưởng về tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong thời gian này tại Hà Nội có tỷ lệ cao hơn TP. HCM, lần lượt là 50% và 45,2%.
Khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp mảng Du lịch/Khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất. Khoảng 3,7% doanh nghiệp có quy mô từ 10-100 nhân lực đã giảm 80% lương. 9,9% doanh nghiệp có quy mô từ 51-300 nhân lực thuộc ngành Giáo Dục/Đào tạo đã cắt giảm 50-75% lương. 37,9% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm 25-50% lương và phúc lợi. Đây là những doanh nghiệp có quy mô từ 10-50 nhân lực, 301-500 nhân lực và hơn 1000 nhân lực. Doanh nghiệp chủ yếu đến từ ngành bất động sản, cho thuê ngắn hạn, dài hạn - xây dựng, kiến trúc - gia công/chế biến/sản xuất.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều DN có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Các vị trí cắt giảm tập trung vào nhân sự là thực tập sinh và sinh viên mới ra trường, tỷ lệ cắt giảm các vị trí này là 40,5%. Đối với các nhân viên có ít kinh nghiệm, tỷ lệ này lên đến 42,3%.
Theo nhận định của Navigos, thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên đường đua tìm kiếm việc làm. Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục, nhất là trong giai đoạn này.
Chuyên gia của Navigos cho rằng, để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ bây giờ, người lao động hãy tích lũy cho mình những kiến thức, kỹ năng để nâng cao kinh nghiệm bản thân, tự tin đáp ứng được những yêu cầu cao của nhà tuyển dụng. Trong khi đó, các DN nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới thu hút nhân tài khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục.