Các cuộc gọi nhờ đổi tiền lại gây thêm áp lực, làm giảm hiệu quả công việc của nhân viên ngân hàng, khi mỗi dịp Tết cận kề.
"Bình thường đã phải chạy chỉ tiêu tín dụng, mở thẻ thậm chí cả bảo hiểm. Thế nhưng lương thưởng thì không thấy tăng, mà Tết đến còn phải lo tiền mới cho khách. Công việc đã cực rồi mà cứ một ngày gần 10 cuộc gọi hỏi tiền mới thế này chắc em chỉ có ngất", một nhân viên ngân hàng đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Từ lâu, ngân hàng luôn mang trên mình một cái "mác" đó là "ăn sung, mặt sướng, xài tiền to", đi làm thì "mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu". Thế nhưng, các banker lại bảo thực tế phũ phàng hơn rất nhiều. Bây giờ, khi còn chưa đến 10 ngày nữa là Tết, các họ còn mang thêm trên mình một áp lực "thân quen" gọi tên... "tiền mới".
Theo các giao dịch viên chia sẻ, gần Tết, khối lượng công việc cũng nặng lên hẳn, một phần do áp lực hoàn thành KPI cuối năm và kết toán sổ sách, một phần nữa là do lượng người muốn đổi tiền mới tăng lên đột biến. "Dịp này, trung bình mỗi ngày em nhận 6-8 cuộc gọi chỉ để hỏi đổi tiền mới từ khách hàng", một giao dịch viên chia sẻ.
Chị Hoa, 26 tuổi, giao dịch viên ngân hàng S. cho biết, chuyện khách hỏi đổi tiền mới mỗi khi gần Tết là bình thường. Người ít thì đổi vài triệu, người nhiều thì thậm chí có thể hỏi đổi đến hơn trăm triệu. Với những khách lạ thì chị còn có thể từ chối khéo, nhưng đối với những khách hàng quen, từ chối thì họ lại giận, rồi lại có thể mất khách. Điều này khiến cho việc hoàn thành chỉ tiêu dịp cuối năm của chị lại tăng thêm những áp lực.
"Khách vãng lai thì mình còn nhẹ lòng khi từ chối, nhưng khách quen mà nói thẳng không có, không đổi thì họ giận, họ nói mình cả năm dùng dịch vụ mà lại đối xử như thế. Mình có muốn đổi cho họ cũng chẳng được. Vì tiền có phải của mình đâu, của ngân hàng mà, sao kê kiểm đếm các thứ, mình làm sao mà lấy ra được. Mình áp lực lắm chứ. Huy động một khách bình thường đã khó, giờ thêm dịch thì khó lên mười, thêm "tiền mới" thì độ khó lên vạn. Sợ mất khách chứ, nhưng "lực bất đồng tâm" thì cũng đành cười trừ, xin lỗi rồi mong họ cũng hiểu cho mình thôi", chị Hoa chia sẻ.
Chị Thúy, giao dịch viên tại phòng giao dịch ngân hàng VxB, nơi cũng có tần suất cuộc gọi dày đặc về vấn đề đổi tiền mới, trong khi đó cũng có những chia sẻ về những "nếm trải" của mình với cái ngành mà nhiều người cho là "nhàn".
Công việc của chị bắt đầu lúc 7 giờ sáng, đến 7 giờ tối có khi còn chưa kết thúc. Bên cạnh các chỉ tiêu cơ bản của ngân hàng về tín dụng, về thẻ, gần đây chị còn phải gồng gánh thêm chỉ tiêu bảo hiểm vì ngân hàng đang mở rộng mảng này. "Công việc đã cực rồi mà cứ một ngày gần 10 cuộc gọi hỏi tiền mới thế này chắc em chỉ có ngất", chị chia sẻ.
Chị Thúy cho biết thêm, "đôi khi có những khách rất quá đáng, chẳng hạn như việc gửi tiền chỉ có khoảng 100 triệu kỳ hạn 1 tháng, nhưng khách lại đòi đổi đến 50 triệu tiền mới". Dù là người dễ tính, nhưng với áp lực công việc cao và thêm những hành động khó chịu như vậy thì đôi khi người dễ tính nhất cũng phải bực mình. "Chị cũng muốn đổi cho họ đấy chứ! Vì họ là khách hàng mà, dịch bệnh này khó tìm lắm em ơi! Nhưng mà tiền của ngân hàng, không phải mình cứ muốn là lấy được", chị chia sẻ.
Ảnh chụp màn hình tin nhắn giữa một khách hàng và nhân viên ngân hàng |
Cũng có thể thấy, các nhân viên ngân hàng được khảo sát đều rất mong muốn hỗ trợ cho khách hàng của mình. Thế nhưng họ lại không có khả năng thực hiện điều đó và nhu cầu đối với tiền mới vẫn rất cao. Chính vì thế các cuộc gọi nhờ đổi tiền lại gây thêm áp lực, làm giảm hiệu quả công việc của nhân viên ngân hàng, khi mỗi dịp Tết cận kề.
Theo khảo sát của phóng viên tại thị trường chợ đen, giá tiền mới vẫn được thổi lên cao vào dịp lễ Tết này. Việc đổi tiền, tùy mệnh giá, tùy thời điểm và số lượng mà việc đổi tiền có thể chênh lệch dao động từ 10-30% so với mệnh giá.
Hiện nay, trên mạng cũng đang có rất nhiều các trang web đổi tiền. Tuy nhiên, các hoạt động này đều sai quy định và không được pháp luật bảo vệ. Vì thế trong trường hợp xấu khi tham gia đổi tiền, người mua có thể gặp phải một số tình trạng như tiền bị rút ruột, hay tệ hơn đó là bị đổi cho tiền giả khiến cho tiền mất tật mang.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)