Bất kỳ ai cũng có thể nghĩ tới ý tưởng về một ứng dụng giao đồ ăn mọi lúc, mọi nơi tới tận cửa nhà mình. Will Shu, người sáng lập, CEO của startup giao đồ ăn Deliveroo cũng nghĩ tới điều này.
"Đó không phải một ý tưởng phức tạp, ai cũng có thể nghĩ tới", Shu, một cựu nhân viên ngân hàng người Mỹ, chia sẻ trong một bài phỏng vấn năm 2017. Tuy nhiên, Shu và người đồng sáng lập Greg Orlowski đã biến giấc mơ từ bàn giấy văn phòng của mình trở thành hiện thực vào năm 2013. Mới đây, startup Deliveroo của họ nhận được đầu tư 575 triệu USD từ các nhà đầu tư dẫn đầu là Amazon, đưa tổng số vốn huy động được từ khi thành lập lên 1,53 tỷ USD.
Sau đây là hành trình thành công của startup giao đồ ăn được yêu thích hàng đầu tại Anh, theo Business Insider.
Năm 2001: Người sáng lập Will Shu là nhà phân tích ngân hàng tại Morgan Stanley, New York, Mỹ. Khi đó, sau những giờ làm việc dài, ông và các đồng nghiệp thường gọi các món ăn nhanh với giá 25 USD. Năm 2004, Shu chuyển tới văn phòng của Stanley tại Canary Wharf, London, nơi ngân sách dành cho các bữa ăn bị cắt giảm. Ông bắt đầu phải mua đồ ăn tại siêu thị Tesco. "Tôi cảm thấy thực sự chán nản", Shu kể với trang Startups.co.uk.
Cuối năm 2006: Shu làm việc cho một quỹ đầu cơ và thời gian làm việc thoải mái hơn. Thị trường giao đồ ăn lúc đó chỉ có Just Eat nhưng Shu cảm thấy dịch vụ này vẫn còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, cuối năm 2007, ông liên hệ với với người bạn học cũ Greg Orlowski - một lập trình viên. Ý tưởng giao đồ ăn Deliveroo của họ không thành công bởi lúc đó mới chỉ là những ngày đầu của kỷ nguyên di động thông minh (smartphone) và các ứng dụng vẫn chưa được nhiều người biết tới. Phải tới tận năm 2012, khi Apple chuẩn bị ra mắt iPhone 5 và cửa hàng ứng dụng Apple Store đã hoạt động được 4 năm, các ứng dụng smartphone mới bắt đầu "cất cánh".
Sau thời gian trở về Mỹ học thạc sĩ, Shu và Orlowski quay lại với ý tưởng Deliveroo. Tháng 2/2013, hai người thành lập Deliveroo tại căn hộ của Shu tại Chelsea. Shu trở thành nhân viên giao hàng đầu tiên của Deliveroo. Ông tới các nhà hàng để nhận đồ ăn và giao tận tay khách hàng để tự mình trải nghiệm quá trình này. Nhiều bạn bè đã chế nhạo khi thấy ông từ một nhà phân tích ngân hàng trở thành nhân viên giao hàng. Theo Forbes, Shu cũng từng giao một chiếc pizza cho ông chủ cũ của mình và người này đã cho rằng ông đang lâm vào khó khăn. Tuy nhiên, Shu quyết định rời đi sau khi giao hàng và không giải thích gì cả.
Tháng 6/2014: Sau khi bắt đầu hợp tác với chỉ 3 nhà hàng, Deliveroo huy động được 2,75 triệu USD đầu tiên từ Index và Hoxton Ventures. Số tiền này được dùng để đầu tư mở rộng hoạt động của công ty. Tới cuối năm 2014, Deliveroo mở rộng hoạt động ra thành phố đầu tiên ngoài London - Brighton.
Tháng 1/2015: Deliveroo huy động được thêm vốn đầu tư và bắt đầu mở rộng ra quốc tế. Tháng 4 năm đó, công ty này có mặt tại Paris (Pháp) và Berlin (Đức). Dịch vụ này "ăn nên làm ra" một cách bất ngờ tại Paris - thành phố nổi tiếng với ẩm thực.
Cuối năm 2015: Chỉ sau 2 năm hoạt động, Deliveroo được định giá 600 triệu USD.
Tháng 12/2015: Những phản ứng dữ dội bất ngờ nổ ra. Deliveroo có hàng trăm người giao đồ ăn bằng xe đạp khắp thành phố nhưng những người này không phải là nhân viên của công ty. Deliveroo rơi vào những cuộc tranh luận về tiền lương và điều kiện làm việc cho những lao động này trong nền kinh tế tự do với việc làm ngắn hạn hiện nay (Gig economy).
Tháng 2/2016: Người đồng sáng lập Deliveroo - Greg Orlowski âm thầm rời công ty để đồng sáng lập một ứng dụng có tên là Peanut dành cho các bà mẹ.
Tháng 5/2016: Deliveroo bắt đầu triển khai kế hoạch tham vọng nhằm giúp các nhà hàng thực hiện đơn hàng nhanh hơn. Công ty này đưa container hàng vào các bãi đỗ xe và biến chúng thành những căn bếp nhỏ chuyên chuẩn bị món ăn cho các đơn hàng qua Deliveroo.
Tháng 8/2016: Deliveroo tiến gần hơn với mốc định giá 1 tỷ USD sau khi nhận được khoản đầu tư mới 285 triệu USD. Hiện Deliveroo là một trong những startup nhận được nhiều vốn đầu tư nhất tại Anh và được nhiều người dùng yêu thích.
Tháng 9/2016: Mike Hudack, cựu giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook trở thành giám đốc công nghệ của Deliveroo.
Tháng 11/2016: Vấn đề liên quan tới lao động tạm thời tiếp tục khiến Deliveroo gặp rắc rối. Một công đoàn mới có tên IWGB lên tiếng yêu cầu Deliveroo phải công nhận tuyển dụng đối với những người giao hàng tạm thời. Đến nay, tất cả người giao hàng của Deliveroo đều là những lao động độc lập. Tuy nhiên, IWGB muốn công ty trả cho họ trợ cấp du lịch và lương tối thiểu -- đây là những phúc lợi có thể khiến Deliveroo mất nhiều chi phí.
Tháng 1/2017, hãng luật Leigh Day, nổi tiếng thành công với những vụ kiện liên quan tới các công ty sử dụng lao động tạm thời như Deliveroo, tuyên bố sẽ có động thái pháp lý chống lại Deliveroo để đòi quyền lợi cho những người giao hàng. Đến nay, đây vẫn là một trong những vấn đề rắc rồi của startup này.
Tháng 4/2017: Deliveroo ra mắt Deliveroo Editions - mô hình nhà bếp tạm thời dành cho các nhà hàng để giúp họ thực hiện các đơn hàng qua Deliveroo. Các nhà bếp Deliveroo Editions thường được đặt tại bãi đỗ xe hoặc khu đất trống.
Tháng 9/2017: Deliveroo được định giá 2 tỷ USD sau khi huy động được 385 triệu ÚD từ các nhà đầu tư gồm các quỹ đầu tư lớn của Mỹ như Fidelity và T Rowe Price. Deliveroo trở thành một trong những startup giá trị nhất tại Anh. Tuy nhiên, công ty này bắt đầu bị so sánh với Uber với tiếng xấu "lách luật". Tờ Guardian nói rằng Deliveroo đã không xin phép chính quyền khi lắp đặt các nhà bếp di động và người dân địa phương cũng phàn nàn về tiếng ồn.
Tháng 11/2017: Deliveroo giành chiến thắng trong vụ kiện của IWGB với phán quyết rằng startup này không cần phải công nhận những người giao hàng là nhân viên của mình. Shu nói rằng nhiều chính trị gia và nhà báo vẫn nhầm lẫn về quyền của người lao động.
Tháng 3/2018: Theo trang blog Eater, Deliveroo có kế hoạch giảm chi phí bằng việc tự cung cấp đồ ăn. Cũng trong năm 2018, Deliveroo tập trung vào các phúc lợi dành cho người giao hàng, bao gồm đào tạo về sơ cấp cứu, bảo hiểm y tế trên toàn cầu.
Tháng 5/2019: Sau những đồn đoán về một thương vụ sáp nhập với Uber Eats, câu trả lời của Deliveroo là vòng gọi vốn huy động 575 triệu USD từ các nhà đầu tư dẫn đầu bởi Amazon. Theo Business Insider, thương vụ này có thể đưa định giá của Deliveroo lên 4 tỷ USD, là startup công nghệ lớn nhất của Anh.
Deliveroo hiện hoạt động tại 500 thành phố ở 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hợp tác với hơn 80.000 nhà hàng, sử dụng 60.000 người giao hàng và có 2.500 nhân viên trên toàn cầu. Các quốc già và vùng lãnh thổ mà công ty này hoạt động gồm Australia, Bỉ, Pháp, Đức, Hồng Kông, Italy, Ireland, Hà Lan, Singapore, Tây Ban Nha, Đài Loan, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Dù mở rộng nhanh chóng, nhưng Deliveroo hiện vẫn chưa có mặt ở Mỹ.