Tổng cục Hải quan cho biết có tình trạng cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan.
Cá tầm nhập khẩu không đúng chủng loại
Chiều 30/3, Tổng cục Hải quan phát đi thông tin về kết quả theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn.
Kết quả cho thấy, thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan (cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).
Cụ thể, ngày 17/3, Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đăng ký tờ khai hải quan số 103894536910 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại.
Cá tầm nuôi tại Lâm Đồng từng bán đổ bán tháo tại một số tuyến đường của TP.HCM |
"Căn cứ kết quả giám định nêu trên thì hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii)", Tổng cục Hải quan kết luận.
Ngày 23/3, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn căn cứ kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xử lý theo đúng quy định.
Tuy nhiên, qua kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp ngày 23/3 thì phát hiện toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan.
Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã mời doanh nghiệp để yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định.
Vụ việc thứ hai được Tổng cục Hải quan nhắc tới liên quan đến Công ty Đức Vui. Cụ thể, ngày 19/3, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp với Chi cục Hải quan lấy mẫu giám định ngay tại cửa khẩu.
Kết quả giám định cho thấy hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép Cites do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).
Ngày 23/3, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lào Cai căn cứ kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 để xử lý theo đúng quy định.
Ngoài ra, theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, có 2 lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn cũng đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu gửi lấy mẫu để thực hiện giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Cá tầm nhập khẩu phải là "thuần chủng"
Ngày 20/3, Tổng cục Hải quan đã tổ chức cuộc họp với đại diện các đơn vị của Bộ NN-PTNT (Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, Viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản 1), Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật để bàn phương án và phối hợp xử lý các lô hàng cá tầm nhập khẩu vi phạm.
Tại cuộc họp, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đều thống nhất cá tầm ghi trong Danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam phải là cá tầm thuần chủng, không phải con lai; việc cấp Giấy phép cũng chỉ áp dụng đối với loài cá tầm thuần chủng.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cũng khẳng định, qua một số mẫu giám định đều xác định được trong một lô hàng thì có nhiều con cá tầm có hình thái bên ngoài khác nhau. Việc nhập khẩu các loài con lai (không chỉ riêng cá tầm) sẽ làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của các loài sinh vật tại Việt Nam, đôi khi có hại cho môi trường sống.
Trên cơ sở kết quả giám định của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đối với 2 lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn; ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đã xác định: Cá tầm nhập khẩu không phải là cá tầm thuần chủng, không đúng khai hải quan, không đúng tên hàng ghi trên Giấy phép Cites, không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (Phụ lục VIII) ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Tổng cục Hải quan cho biết sẽ chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
"Tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản", Tổng cục Hải quan cho biết.
Lương Bằng