3 cái tên tỷ đô của ngành chứng khoán
Nửa đầu năm nay chứng kiến sự thăng hoa của cổ phiếu chứng khoán, điều này kéo theo sự xuất hiện của những công ty vốn hóa tỷ đô, lần lượt CTCP Chứng khoán SSI (SSI) rồi đến CTCTP Chứng khoán VNDirect (VND) chạm cột mốc này.
Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ còn SSI là công ty chứng khoán vốn hóa tỷ đô duy nhất trên sàn. VNDirect đã sụt giảm về mức tiệm cận, cùng với CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI).
Đạt giá trị vốn hóa tỷ đô là khoảnh khắc đáng nhớ với bất kỳ công ty nào. Tuy nhiên, trước cả SSI và VND, một công ty chứng khoán khác đã tự tuyên bố đạt giá trị thị trường 1 tỷ USD, tức là công ty chứng khoán đầu tiên của Việt Nam làm được điều này. Cái tên mà chúng tôi muốn nói tới là CTCP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities - TCBS).
Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2021, tất cả đều tăng vọt. Quý 1 năm ngoái, ngành chứng khoán giống như nhiều ngành kinh doanh khác, ở trong trạng thái bi quan cùng cực do ảnh hưởng từ làn sóng COVID thứ nhất. Chính vì vậy, gần như tất cả các công ty chứng khoán có mức nền kinh doanh trong giai đoạn này rất thấp. Điểm thứ hai cũng cần công nhận, ngành chứng khoán đã có nửa đầu năm 2021 hết sức thăng hoa, nhà đầu tư F0 và dòng tiền mới ồ ạt tham gia thị trường thúc đẩy chỉ số lên mức cao kỷ lục, bất chấp khối ngoại vẫn bán ròng lượng lớn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có tới 3 công ty chứng khoán lãi trước thuế trên 1.000 tỷ đồng trong nửa năm, hai trong số đó chạm mức vốn hóa tỷ đô như đã đề cập. VND lãi trước thuế 1.136 tỷ đồng; SSI lãi trước thuế 1.264 tỷ đồng. Nhưng cả hai vẫn đành chịu thua TCBS, với mức lợi nhuận trước thuế lên tới 1.844 tỷ đồng.
Nếu xét về mức tăng trưởng, VND là ấn tượng nhất khi tăng 375%; SSI tăng 92%; trong khi TCBS chỉ tăng 25%.
Xuất phát chậm nhưng đang là quán quân lợi nhuận
Vị thế của TCBS đã được khẳng định trong nhiều năm nay. Năm 2019, TCBS đã chính thức vượt xa SSI về chỉ tiêu lợi nhuận. Công ty chứng khoán của Chủ tịch Nguyễn Xuân Minh cho thấy sức tăng trưởng ấn tượng nhất trong số các công ty chứng khoán của Việt Nam.
Giai đoạn 5 năm 2016 – 2020 của TCBS được ông Minh đúc kết như sau: "4 mục tiêu lớn, số 1 tại Việt Nam, 100.000 khách hàng trung lưu, 100 triệu USD lợi nhuận, 1 tỷ USD vốn hóa đều đã được chinh phục".
Từ chỗ "không có cửa" so với các công ty chứng khoán lâu năm, TCBS có được cú bứt phá đáng nể nhờ vào việc ngay từ đầu đã tập trung theo đuổi mảng tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Minh từng chia sẻ cách đây nhiều năm: "Thời điểm bắt đầu, TCBS đã đi sau các công ty chứng khoán khác đến mười mấy năm trong mảng môi giới chứng khoán. Đã đi sau, giờ tiếp tục nhảy vào thị trường đó mà không có lợi thế cạnh tranh gì để đuổi kịp người ta thì suốt đời sẽ là kẻ đi sau".
Điều này thúc đẩy TCBS tìm một thị trường ngách, nơi mà các công ty chứng khoán khác chưa để ý, và trở thành kẻ dẫn đầu trong thị trường ngách đó.
Ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch TCBS
Nói về khâu "đầu vào", tức là các khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu, ông Minh cho biết lợi thế của TCBS chính là sự hỗ trợ từ Techcombank. Các khách hàng đầu tiên và lớn nhất của TCBS là những tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, hay VIPD Group… Thời điểm đó, người đứng đầu TCBS cũng thừa nhận việc phụ thuộc vào một số khách hàng lớn như trên là rủi ro với công ty. Do đó, TCBS từng bước tìm cách mở rộng tập khách hàng.
Tuy nhiên, khác biệt của TCBS với các công ty chứng khoán cũng có ngân hàng mẹ đứng sau được ông Nguyễn Xuân Minh cho biết nằm ở yếu tố "đầu ra". Định hướng ban đầu của TCBS là có thể phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho các đối tượng khác có nhu cầu muốn đầu tư, bao gồm các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và khách hàng cá nhân… thay vì chủ yếu bán cho ngân hàng mẹ.
Như vậy, định hướng khác biệt ngay từ ban đầu đóng vai trò to lớn đối với thành công của TCBS ở thời điểm hiện tại.
Hưởng lợi từ cơn sóng thần mang tên trái phiếu doanh nghiệp
Trên thực tế, TCBS dẫn đầu một làn sóng bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây – phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh kể từ năm 2018 với tổng giá trị phát hành gần 240.000 tỷ đồng. Hai năm tiếp theo, tổng giá trị phát hành tăng lên lần lượt 335.000 tỷ đồng và 430.000 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đạt mức cao gần 310.000 tỷ đồng.
TCBS tất nhiên hưởng lợi nhiều từ làn sóng trái phiếu doanh nghiệp này của thị trường Việt Nam. Trong 5 năm (2016 – 2020), công ty chứng khoán này cho biết đã tư vấn phát hành và huy động thành công trên 248.000 tỷ đồng trái phiếu cho các khách hàng doanh nghiệp của mình. Số này gần bằng tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2018 và chiếm khoảng 1/5 tổng lượng phát hành trong cả giai đoạn 5 năm.
Tổng khối lượng trái phiếu tư vấn phát hành trong năm 2020 của TCBS đạt khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2019 và tiếp tục dẫn đầu thị phần tư vấn phát hành TPDN tại Việt Nam.
Nguồn: BCTN TCBS
Phía đầu ra, TCBS phân phối hơn 34.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thông qua iBond, tăng trưởng 21%. Trong 5 năm, hơn 110.000 tỷ đồng sản phẩm iBond được TCBS phân phối ra thị trường cho 28.000 nhà đầu tư cá nhân.
TCBS cũng từng có thời gian chiếm thị phần áp đảo trong mảng trái phiếu niêm yết trên HOSE với hơn 80% từ trước năm 2019, tuy nhiên vị thế đang giảm dần trong 2 năm trở lại đây. Năm 2020, thị phần của TCBS còn 68%. Trong nửa đầu năm 2021, thị phần tiếp tục giảm còn 46%. Chứng khoán TPS vươn lên tương đối mạnh mẽ, nắm 19%.
Cũng cần lưu ý rằng, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam được phát hành riêng lẻ, lượng phát hành đại chúng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, xấp xỉ 6%.
Thị phần môi giới cổ phiếu của TCBS cũng đang tăng tốc
Sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, kể từ năm 2021, TCBS có dấu hiệu tham gia vào cuộc đua thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE. Theo số liệu cập nhật quý 3/2021, thị phần của TCBS đã bám sát top 5 với 4,81%, xếp ngay sau VCSC với 4,9%.
Các quỹ đầu tư mở do TCBS phân phối cũng tăng trưởng tốt. Năm 2020, khối lượng phân phối Quỹ đầu tư iFund của TCBS đạt hơn 25.500 tỷ đồng, tăng 36%. Trong đó, Quỹ trái phiếu Techcom (TCBF) là quỹ nội địa có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam, tổng giá trị tài sản ròng đạt 24.130 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020, chiếm 63% thị phần quỹ nội Việt Nam.
Nguồn thu chính từ bảo lãnh phát hành và kinh doanh trái phiếu
Nhìn vào cơ cấu doanh thu của TCBS nửa đầu năm, hoạt động đầu tư đem về doanh thu 700 tỷ đồng, trong đó 92% đến từ trái phiếu chưa niêm yết. Lợi nhuận từ bán trái phiếu chưa niêm yết trung tập trung vào một số doanh nghiệp, gồm: CTCP Đầu tư Golden Hill 220 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Vingroup 120 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Masan 96 tỷ đồng, CTCP Bất động sản BIM 56 tỷ đồng, Công ty TNHH Vinametric 32 tỷ đồng… Theo đó, 5 công ty lớn nhất chiếm 80% tổng lợi nhuận từ trái phiếu chưa niêm yết của TCBS.
Lợi nhuận từ trái phiếu niêm yết chỉ ở mức 43 tỷ đồng.
Các nguồn thu lớn khác của TCBS gồm: doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, bảo lãnh - đại lý phát hành chứng khoán 731 tỷ đồng, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán 351 tỷ đồng, lãi từ cho vay và phải thu 303 tỷ đồng và doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn tài chính 135 tỷ đồng.
Với đặc thù hoạt động kinh doanh của mình, chi phí hoạt động của TCBS là thấp hơn rất nhiều so với các công ty chứng khoán khác.
Biên lợi nhuận trước thuế của TCBS đạt mức trên 80%. So với SSI, chỉ số này chỉ ở mức 40%, tức là bằng một nửa. Hai khoản chi phí lớn ăn vào lợi nhuận của SSI gồm chi phí đầu tư và chi phí môi giới là điển hình với các công ty chứng khoán tập trung vào mảng cổ phiếu niêm yết.
Có thể thấy, nguồn thu lớn nhất của của TCBS trong nhiều năm qua đến từ nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, ở đây là trái phiếu doanh nghiệp. TCBS giúp tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua toàn bộ giá trị chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa phân phối hết.
Năm 2020, các khách hàng lớn của TCBS vẫn là những cái tên quen thuộc như Vinhomes - VinSmart - Vincom Retail (thuộc Vingroup) và Tập đoàn Masan... Riêng giá trị phát hành của hai tập đoàn lớn này đã lên tới 32.000 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2021, TCBS có vốn điều lệ chỉ 1.124 tỷ đồng nhưng lại có lợi nhuận số 1 trong các công ty chứng khoán. Điều này khiến cho EPS nửa đầu năm của công ty này cao ngất ngưởng đạt 13.118 đồng/cp. Năm 2020, EPS của TCBS đạt 19.153 đồng.
Được biết, TCBS dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường xin thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Động thái tăng vốn lần đầu kể từ năm 2019 liệu có để ngỏ một kế hoạch đáng chú ý của công ty chứng khoán số 1 Việt Nam thời điểm hiện tại?