Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá lợn thịt xuất chuồng trong tuần qua đã quay về ở vùng khoảng 80.000 đồng/kg, giảm 15-18 nghìn đồng/kg so với thời cao điểm và có tiếp tục có xu hướng giảm từng ngày.
Cụ thể, ở khu Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi chỉ giao động 80-83 nghìn đồng/kg. Ở khu vực miền Trung, khu vực Bình Định giá chỉ còn 77-79 nghìn đồngkg.
Tại thủ phủ chăn nuôi lợn là Đồng Nai, giá lợn hơi cũng chỉ 79-82 nghìn đồng/kg, còn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giao động 80-83 nghìn đồng/kg.
Theo Cục chăn nuôi, với lợn nhập khẩu từ Thái Lan, theo tính toán, giá lợn hơi ở Thái Lan khoảng 70 nghìn/kg, nhập về Việt Nam đang xuất bán là 80-83 nghìn/kg.
Giá lợn hơi xuất chuồng của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam bán ở miền Bắc là 80 nghìn/kg, niền Nam là 80,5 nghìn/kg, nhưng chỉ bán qua đại lý của C.P và bán thịt móc hàm 115-115 nghìn/kg.
Cục Chăn nuôi cũng cho biết, đến nay, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gần 93.250 tấn thịt lợn các loại chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch Chính phủ giao.
Về nhập khẩu lợn sống, tính từ thời điểm cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam giết mổ làm thực phẩm đến nay (từ ngày 12/6), có 40 lượt doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhập khẩu 5 triệu con lợn sống từ Thái Lan. Hiện các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 97.300 con lợn thịt từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm, đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 16.537 con lợn giống các loại, chủ yếu từ các thị trường Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Đài Loan… về phục vụ nhu cầu trong nước. Theo số liệu đăng ký của các doanh nghiệp nhập khẩu tiếp năm 2020 gần 400 nghìn con giống bố mẹ.
Với số lượng lợn giống nhập khẩu và số lượng tự sản xuất trong nước sẽ chủ động được số lượng giống thay thế theo chu kỳ sản xuất, như vậy sẽ đáp ứng được lợn giống cho sản xuất từ năm 2021-2024.
Bao giờ nguồn cung trong nước ổn định?
Theo Cục Chăn nuôi, đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).
Có 12 địa phương đến nay đã tái đàn, tăng đàn đạt trên 100% như: Bình Phước đạt gần 165%; tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắk Nông, Quảng Ngãi; Ninh Thuận, Yên Bái, Hòa Bình, Tây Ninh, Sơn La, Lâm Đồng, Khánh Hòa.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra, thúc đẩy tái đàn
Trong khi đó, có 22 tỉnh địa phương tỷ lệ tái đàn trung bình còn dưới 70%, như: Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Đến nay, tại 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn như CP, CJ, Japfa, Emivest, Dabaco, Hoà Phát, Mavin… tổng đàn lợn thịt đến tháng 7/2020 đạt trên 4,88 triệu con, tăng so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu phi gần 53% và tăng 46,8% so với đầu năm nay.
Theo kế hoạch của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, đến hết Quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu co, tăng 68% so với thời điểm đầu năm nay.
Về nguồn cung con giống phục vụ tái, tăng đàn, Cục Chăn nuôi cho biết, đến tháng 7/2020, tổng đàn nái cả nước đạt trên 2,93 triệu con, tăng hơn 7,7% so với 01/01/2020, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020 (trong đó có 115 nghìn con lợn giống cụ kỵ và ông bà).
Tuy nhiên, theo tính toán, dù đàn nái như vậy nhưng từ tháng 10/2019 các cơ sở mới bắt đầu phối giống sau đó mới tái đàn, nên đến cuối Quý III đầu Quý IV mới cơ bản đủ con giống cho sản xuất.
Trong khi đó, thời gian qua, các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài, nên hiện giá lợn rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.
Với mức giá trên, nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71 nghìn đồng/kg lợn hơi; nếu nuôi khép kín từ khâu đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50 nghìn đồng/kg lợn hơi.
Cục Chăn nuôi cũng cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát, không dám tái đàn.
Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương. Một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cho người dân, nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất.
Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.