Nhập khẩu của Philippines trong năm 2021 ước tính tăng lên 2,6 triệu tấn, so với 2,3 triệu tấn của năm trước đó, và nước này vẫn là nhà nhập khẩu lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Trong khối lượng nhập khẩu đó, có khoảng 2 triệu tấn nhập từ Việt Nam. Theo dữ liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này 11 tháng đầu năm 2021 đã đạt 2,3 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước đó; kim ngạch đạt khoảng 1,18 triệu tấn, tăng mạnh 29%; nổi bật trong các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta, giữa bối cảnh xuất khẩu gạo cả nước 11 tháng chỉ tăng 0,8% về lượng và tăng 7% về kim ngạch. Với thành tích xuất sắc đó, thị phần của Philippines trong xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng lên khoảng 4%, tiếp tục là thị trường gạo số 1 của cả nước.
Năm 2021, Chính phủ Philippines đã tự do hơn trong việc cấp giấy phép nhập khẩu, và khối lượng gạo được cấp phép nhập trong giai đoạn tháng 7 – 8/2021 cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 10, nước này vẫn cấp giấy phép nhập khẩu cho năm 2021, và vẫn tiếp tục nhập khẩu gạo trong tháng 11 và tháng 12, mặc dù với tốc độ chậm hơn trước đó.
Có nhiều yếu tố giải thích tại sao nhập khẩu tăng mạnh trong năm qua, đặc biệt là trong tháng 9 và tháng 10. Nhu cầu tăng nhanh và việc hàng giao từ Việt Nam – nhà cung cấp hàng đầu cho Philippines – bị chậm trễ cho tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng có thể phần nào giải thích cho việc nhập khẩu tăng trong tháng 9 và tháng 10. Hơn nữa, việc mở cửa nền kinh tế trở lại sau giai đoạn Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, nguồn cung trong vụ thu hoạch vào quý 3 (tháng 7-9) năm qua thấp hơn mọi năm làm tăng nhu cầu bổ sung tổng cung bằng nhập khẩu.
Philippines có nhiều vụ lúa trong năm và chính phủ thường sử dụng giấy phép nhập khẩu như một biện pháp quản lý nhập khẩu trước khi thu hoạch. Điều này đặc biệt phổ biến trước khi vụ thu hoạch chính của nước này bắt đầu vào giữa tháng 9, do đó nhập khẩu thường giảm sau khi bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Chính phủ Philippines ước tính vụ mùa quý 4/2021 (tháng 10 đến tháng 12) bội thu. Do đó, các nhà nhập khẩu cho biết Chính phủ không cấp phép nhập khẩu trong 2 tháng cuối năm.
Kể từ khi Philippines chuyển từ hệ thống hạn chế định lượng nhập khẩu sang luật thuế quan gạo vào tháng 2 năm 2019, chính phủ đã phải cân bằng lợi ích kép của cả nông dân cũng như người tiêu dùng Philippines, và đã sử dụng nhiều công cụ chính sách khác nhau để đạt mục tiêu này.
Nhập khẩu đã tăng đáng kể từ khi thực hiện luật thuế quan. Giữa những lời chỉ trích về luật này, Bộ Nông nghiệp Philippines vẫn kiên định với quan điểm rằng Luật thuế quan là một chính sách cải cách mang tính thay đổi ‘cuộc chơi’, đã xóa bỏ tình trạng kém hiệu quả kéo dài hàng thập niên của ngành lúa gạo nước này, đồng thời nâng cao triển vọng cạnh tranh của ngành trên thị trường toàn cầu.
Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar cho rằng giá gạo rẻ hơn so với những năm trước khi thực hiện Luật thuế quan đã mang lại lợi ích cho hàng triệu người tiêu dùng, đồng thời vẫn đảm bảo cho người nông dân của mình kiếm được nhiều tiền hơn trên mỗi ha trồng lúa.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, giá bán lẻ gạo trong nước và gạo nhập khẩu tại Metro Manila đều duy trì ở mức 50 peso/kg.
Gạo là một loại cây trồng nhạy cảm về mặt chính trị và là lương thực chính ở Philippines, vì vậy Chính phủ luôn chú trọng đến việc cân bằng nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước – hiện chiếm khoảng 85% tổng tiêu thụ gạo của nước này. Trong mọi tình huống, Chính phủ vẫn đảm bảo rằng thuế quan một phần hỗ trợ các nỗ lực nâng cao sản xuất trong nước.
Sau năm 2021 tăng mạnh, nhập khẩu gạo của Philippines dự báo vẫn tiếp tục cao trong những năm tới.
USDA những tháng gần đây đã liên tục điều chỉnh tăng dự báo về nhập khẩu gạo của thị trường này năm 2022. Trong báo cáo mới nhất, cập nhật tháng 12/2021, USDA dự báo Philippines sẽ nhập khẩu 2,4 triệu tấn trong năm 2022, tăng 200.000 tấn so với báo cáo tháng 11, chủ yếu do điều kiện kinh tế được cải thiện sau giai đoạn dịch Covid-19.
USDA cho rằng động thái Philippines tăng nhập khẩu gạo hoặc điều chỉnh chính sách nhập khẩu hầu như không thể tác động đến các nhà cung cấp gạo ở Tây Bán cầu do chi phí vận chuyển giữa 2 điểm quá xa. Tuy nhiên, mỗi động thái của Philippines đều có tác động nhiều tới các nhà cung cấp Châu Á, nhất là các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
USDA cho biết toàn bộ mức tăng 200.000 tấn gạo dự kiến điều chỉnh cho nhập khẩu vào Philippines năm 2022 sẽ đều đến từ Việt Nam, trùng khớp với nhận định của USDA về xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ tăng 200.000 tấn so với năm 2021, lên 6,4 triệu tấn.
Tham khảo: USDA