Nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước kêu khó bởi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu. Về phía quản lý Nhà nước, việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng cao - với giá trị lớn còn liên quan tới chỉ số kiểm soát nhập siêu và những tác động đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước - một trong 4 ngành công nghiệp được xác định phải tập trung phát triển, đó là công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, công nghiệp ô tô và công nghiệp công nghệ cao.
Tại một cuộc họp mới đây về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, 7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập khẩu hơn 75.000 xe ô tô nguyên chiếc, bao gồm xe con và xe tải, trong đó chủ yếu là loại xe dưới 9 chỗ ngồi (lên tới hơn 54.000 chiếc). Mặc dù lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 7 đã giảm hơn so với các tháng trước đó - song bình quân 7 tháng vẫn tăng tới 400% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý là việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào thị trường nội địa lại chủ yếu là các dòng xe đang có Nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam nhập khẩu hơn 75.000 xe ô tô nguyên chiếc, bao gồm xe con và xe tải. (Ảnh minh hoạ)
“Vấn đề là tất cả những xe này tăng thì lại không phải xe nào khác cả mà đều là những xe có nhãn hiệu đang sản xuất tại Việt Nam, đây chính là vai trò của điều tiết. Chúng ta cũng cần có những cân nhắc với các nhà sản xuất ô tô trong nước. Giải quyết vấn đề này thì vai trò của Nhà nước như thế nào? Chúng ta đang có sân chơi rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nhưng nếu các doanh nghiệp vẫn theo đà này thì tôi nghĩ cũng cần có tính toán lại hiệu quả của các doanh nghiệp” - ông Chinh nói.Ông Phan Văn Chinh dẫn chứng thêm số liệu nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô để lắp ráp trong nước 7 tháng đầu năm nay chỉ tăng hơn 12% (trị giá khoảng 1 tỷ 950 triệu USD) và tỏ ra lo ngại nếu tiếp tục tăng trưởng nhập khẩu theo đà này.
Cùng với dẫn chứng số liệu, đại diện Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cũng chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến đột biến trong nhập khẩu ô tô từ đầu năm đến nay, đó là do ảnh hưởng từ chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu ASAEN về 0% từ đầu năm 2018.
Cùng với đó là việc Nghị định 116 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô (ban hành ngày 17/10/2017) có các yêu cầu khắt khe về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng ô tô… Thời gian đầu khi Nghị định 116 ra đời, thị trường ô tô có chững lại để “nghe ngóng” nhưng sau đó nhập khẩu xe tăng cao trở lại. Cụ thể, thời điểm 6 tháng cuối năm 2018 nhập khẩu ô tô không lớn nhưng từ đầu năm 2019 thì tăng rất mạnh.
Trước những dự báo về việc nhập siêu của ngành ôtô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỉ USD, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, không chỉ các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu, còn là thách thức trong kiểm soát thị trường nội địa và kiểm soát nhập siêu.
“Đây là vấn đề rất lớn đặt ra cho chúng ta không chỉ là nhập siêu nữa mà còn cả vấn đề của các chỉ tiêu ổn định vĩ mô, của thị trường nội địa và ngành công nghiệp ô tô cũng như các ngành công nghiệp có liên quan. Vì vậy tôi đề nghị rà soát đánh giá lại trong hoạt động nhập khẩu 7 tháng đầu năm và phân tích đánh giá về một số hiện tượng đặt ra trong quản lý nhà nước cũng như trong chính sách của chúng ta liên quan đến hội nhập.
Cần đánh giá chung về phát triển công nghiệp ô tô trong nước trong bối cảnh chúng ta đã thực thi các cam kết hội nhập và những diễn biến của việc xóa bỏ thuế quan trong nhập khẩu ô tô cũng như dự báo trong thời gian tới… Mục tiêu rất quan trọng là chúng ta phải đảm bảo kiểm soát nhập khẩu có hiệu quả như Đề án đã báo cáo Chính phủ và trong kế hoạch hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu.
Theo các chuyên gia, với gần 100 triệu dân, tiềm năng phát triển thị trường ô tô ở Việt Nam là rất lớn. Trước các cam kết hội nhập, theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô từ năm 2018 đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN (như Thái Lan, Indonesia) và bắt đầu từ từ năm nay tại thị trường các nước CPTPP, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn các sản phẩm ô tô có chất lượng tốt hơn, giá cạnh tranh hơn.
Trong thời gian tới, khi Hiệp định EVFTA được thông qua, các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên của Hiệp định thương mại tự do VN - EU cũng sẽ có giá cạnh tranh hơn nhờ các ưu đãi thuế quan. Điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, cần phải tính toán tất cả các phương án, dư địa có thể sử dụng kể cả các sắc thuế nội địa trên cơ sở phù hợp với các cam kết hội nhập… để có chính sách đồng bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia gắn với bảo vệ thị trường nội địa, doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng, nhằm phát triển được ngành công nghiệp ô tô trong nước - là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm được xác định ưu tiên phát triển./.