Nhiều giá khác nhau
Dù cùng một loại trái cây, gắn cùng một loại tem nhưng giá bán tại nhiều nơi chênh nhau từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng trên cùng một đơn vị đo trọng lượng.
Mức giá chênh lệch giữa các siêu thị với cửa hàng trái cây, các chợ khiến người mua khó phân biệt. Ảnh: Đ.P
Theo ghi nhận, tại siêu thị VinMart Minh Khai và Co.opMart Trần Phú, các loại táo Mỹ, táo NewZealand có giá “mềm” từ 53.000-90.000 đồng/kg. Ngoài ra, lê Hàn Quốc giá 70.000 đồng/kg, nho đen không hạt Mỹ, Nam Phi từ 110.000-150.000 đồng/kg.
Chị Minh Anh (35 tuổi, sống tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội): "Tôi thường mua trái cây tại chợ Mai Động, thấy quả to mọng, dán tem đàng hoàng, chủ hàng quả quyết là của Mỹ nên tưởng thật. Khi nhà có tiệc, tôi ra chợ đầu mối Long Biên mua một thùng táo mới biết trước đây mình toàn mua hàng Trung Quốc, giá Mỹ". Loại táo mà chị vẫn mua 89.000 đồng/kg, ở chợ Long Biên giá chỉ 220.000 đồng/thùng/10 kg.
Đơn cử, siêu thị BigC Thăng Long, sản phẩm cam mang nhãn xuất xứ Nam Phi có giá 51.000 đồng/kg, còn tại Hapro Food có giá 57.000 đồng/kg. Táo Envy xuất xứ Mỹ tại Big C có giá 200.000 đồng/kg trong khi tại Klever Fruit có giá 299.000 đồng/kg. Kiwi vàng New Zealand được Big C niêm yết với mức giá 118.000 đồng/kg; Klever Fruit có giá 199.000 đồng/kg nhưng quầy hoa quả tư nhân tại đường Nguyễn Khánh Toàn lại bán với mức giá 180.000 đồng/kg.
Mức giá chênh lệch giữa các siêu thị với cửa hàng trái cây, các chợ khiến người mua khó phân biệt. Chị Võ Minh Anh (trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “ Trái cây nhập khẩu bán nhan nhản nên chúng tôi rất khó nhận biết thật, giả. Tôi thường ra chợ chọn mua các loại táo envy, nho Mỹ… vì dù ở siêu thị hay cửa hàng thì chúng đều trông giống nhau, giá ở chợ lại “mềm” hơn nhiều”.
Thật giả khó phân biệt
Với nhiều người, khi lựa chọn trái cây, họ thường quan tâm đến chất lượng, xuất xứ nên thường mua trái cây nhập khẩu. Chị Ngọc Huyền (quận Tây Hồ) cho biết, ở chợ hay cửa hàng trái cây nào cũng treo bảng xuất xứ ngoại, như nho Mỹ, táo Mỹ, táo Pháp…, nhiều loại giá còn rẻ ngang với hàng trong nước, khiến chị đắn đo.
“Tôi thường nhìn vào nhãn tem dán trên các loại trái cây để xác định nguồn gốc thật của chúng. Còn việc ăn thử để phân biệt đồ ngoại hay tàu thì tôi không nhận biết được ”, chị Huyền nói.
Đồng quan điểm với chị Huyền, anh Nguyễn Ngọc Minh, chủ một cửa hàng bán trái cây nhập ngoại trên đường Cầu Giấy, Hà Nội nói: "Người dân Hà Nội thường chuộng trái cây nhập khẩu ở một số nước có tiếng để mua vì các loại trái cây này được dán tem đầy đủ, công khai các thông tin về sản phẩm như nguồn gốc, nhãn mác chính gốc…”
Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động , đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hoa quả bán lẻ ngoài chợ hay siêu thị, việc dán tem xuất xứ là không bắt buộc. "Dán tem ngoại chỉ là một hình thức đánh lừa người tiêu dùng. Người tiêu dùng không nên quá tin vào tem dán, bởi nó không thể đảm bảo chính xác nguồn gốc hàng hóa", vị này nói.
Theo vị này, việc xử lý các vi phạm trên không dễ. Năm nay, các loại tem không ghi rõ là Made in USA..., mà chỉ ghi USA. Khi chào mời khách, chủ hàng sẽ nói là trái cây Mỹ, nhưng khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, họ sẽ thành thật trả lời là "giống táo Mỹ nhưng trồng ở... Trung Quốc". Để giải quyết tình trạng này, lực lượng quản lý thị trường sẽ yêu cầu các hộ kinh doanh trái cây Trung Quốc không được dán bất kỳ loại tem mác nào.
Như vậy, có thể thấy rằng, một số loại tem được dán vào trái cây cũng chỉ là “cái mác” để người mua yên tâm, còn chất lượng ra sao thì chỉ người bán mới biết chính xác. Nhiều cơ sở kinh doanh đã lợi dụng tem mác để “lên đời” sản phẩm nhằm móc túi người tiêu dùng.