Quý I năm nay, XK hàng hóa Việt Nam tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính giúp XK đạt được kết quả khả quan như vậy?
Trước tiên, tôi cho rằng, chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại hoạt động XNK, kể cả về thị trường, sản phẩm và đơn vị tham gia hoạt động XNK đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Thứ hai, trong những năm vừa qua, nông nghiệp đã bắt đầu chuyển dịch sang sản xuất hàng có chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo điều kiện để thúc đẩy XK sản phẩm nông sản.
Ngoài ra, kể từ khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, các bên liên quan nhận ra rằng, không thể bỏ qua thị trường nội địa và quá tập trung vào một thị trường XK nào đó mà cần đa dạng hóa thị trường. Chính khủng hoảng tài chính góp phần điều chỉnh lại cách hành xử, nhất là của các DN XK lớn. Việc điều chỉnh cách hành xử này đến nay bắt đầu đem lại kết quả. Bên cạnh đó, từ trước đến nay, những DN nhà nước gần như chỉ tiêu tốn các tài nguyên quốc gia. Kể từ khi cổ phần hóa tích cực, kiên quyết hơn, nhiều DN nhà nước với vị thế của mình sau cổ phần hóa bắt đầu có sản phẩm XK.
Cuối cùng, với chủ trương đẩy mạnh hỗ trợ DN nhỏ và vừa, coi DN nhỏ và vừa trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của Nhà nước, một số lượng DN nhỏ và vừa đã bắt nhịp được, cùng với đó là tinh thần khởi nghiệp lên cao... Tất cả các yếu tố cộng hưởng lại làm cho hoạt động XNK có sự khởi sắc.
Một số quan điểm cho rằng, dù xuất siêu, "bức tranh" XK vẫn không mấy đổi thay khi chủ yếu nhờ vào khối DN FDI. Đây được coi là một trong những trở ngại lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế. Ông suy nghĩ ra sao về điều này?
Thực trạng là DN FDI vẫn xuất siêu, còn DN có 100% vốn trong nước lại nhập siêu. Đó là thực tế, phản ánh DN 100% vốn trong nước yếu kém. Chúng ta không lo DN FDI "khỏe quá" mà thực tế còn cần khối DN này phải "khỏe" hơn, XK nhiều hơn để đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế. Mặt khác, để dần khắc phục tình trạng dựa dẫm vào khối DN FDI, mấu chốt không phải là tìm cách kìm hãm khối DN FDI mà DN trong nước phải vươn lên bằng nội lực.
Ông nhìn nhận như thế nào về XK hàng hóa từ nay tới cuối năm? Liệu Việt Nam có thể vẽ tiếp "bức tranh" xuất siêu như năm 2017, thưa ông?
Theo tôi, năm nay, tăng trưởng XK của Việt Nam có khả năng sẽ đảm bảo được tương tự như năm 2017, khoảng trên 20%. Trước đây, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 mới cân bằng cán cân thương mại nhưng đến năm 2017 và tiếp tục đầu năm 2018, kết quả đạt được không những dừng lại ở cân bằng thương mại XNK mà đã chuyển sang xuất siêu. Dự báo, trong cả năm nay, xuất siêu cũng rất có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, vì tăng trưởng XK của năm 2017 đã lớn nên trong năm nay, tăng trưởng chỉ thêm 1% cũng sẽ rất vất vả so với tăng trưởng thêm 1% của năm trước. Muốn đạt kết quả như trên đòi hòi sự cố gắng rất lớn. Cũng cần lưu ý thêm, nếu chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc thực sự xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn và mọi chỉ tiêu sẽ phải điều chỉnh lại.
Theo ông, nếu năm nay Việt Nam tiếp tục xuất siêu, đã có thể tự tin vào sự cân bằng cán cân thương mại bền vững chưa? Liệu tình trạng nhập siêu có thể trở lại?
Dù cả năm nay xuất siêu thì cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm được. Với các FTA như Việt Nam-EU hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)..., khả năng đầu tư vào Việt Nam, NK công nghệ, máy móc hiện đại của Việt Nam sẽ gia tăng. NK những mặt hàng này giá trị lớn. Lúc đó, có thể quan hệ nhập siêu, xuất siêu sẽ thay đổi từ chỗ hiện nay đang xuất siêu sang nhập siêu. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, nhập siêu khi đó lại biểu hiện tốt, đáng mừng chứ không phải là nhập siêu đáng buồn như những năm trước. Trước đây, nhập siêu chủ yếu là nhập nguyên nhiên liệu, NK công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Còn tương lai, nhập siêu sẽ thay đổi về chất, tạo đà cho sự phát triển bền vững sau này.
Xin ông cho biết, đâu là giải pháp trước mắt cũng như dài lâu giúp nâng cao năng lực của DN nội địa, góp phần XK tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai?
Theo tôi, điều rất quan trọng, mang tính quyết định là phải nâng đỡ, hỗ trợ giúp các DN nhỏ và vừa của Việt Nam thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế. Chủ trương đã có, song vẫn cần đẩy mạnh trong hành động thông qua các khía cạnh như giảm lãi suất vay ngân hàng cho DN; ưu tiên cung cấp nước, điện cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ DN khởi nghiệp... Các chính sách về thuế đừng tận thu mà phải nuôi dưỡng nguồn thu. Ngoài ra, một trong những việc quan trọng còn là làm thế nào để liên kết tốt hơn giữa hoạt động của DN FDI và DN nội địa, làm cho DN Việt có thể tham gia vào được chuỗi cung ứng của DN FDI, kể cả ở khâu đầu vào lẫn đầu ra.
Xin cảm ơn ông!
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương: Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp để chuyển dịch cơ cấu XK Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả theo đúng mục tiêu, lộ trình về chuyển dịch cơ cấu XK và các chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai một số giải pháp thực hiện trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Đó là, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng XK: Tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng XK, kịp thời tháo gỡ khó khăn, sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho XK; phối hợp với Bộ NN&PTNT trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường NK. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa XK: Theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước để kịp thời có phản ứng chính sách với những diễn biến mới; kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, XK, phát triển thị trường; chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước NK, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa XK Việt Nam để giúp Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và DN có phản ứng kịp thời. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại; tiếp tục tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa XK đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới… Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Muốn thúc đẩy XK, DN cần hiểu và tuân thủ chuẩn mực toàn cầu Hiện nay, nền kinh tế rất mở, tăng trưởng cao, tuy nhiên chủ yếu nhờ vào đầu tư nước ngoài. Điều đó cho thấy, DN FDI tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập, đặc biệt từ các FTA mà Việt Nam ký kết. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu đến tư DN nội địa. Trong đó, khó khăn điển hình mà DN nội địa gặp phải là các hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan đến từ thị trường NK. Các thị trường đặt ra chuẩn mực toàn cầu. Chúng ta phải đáp ứng chuẩn mực đó mới tận dụng được cơ hội. Muốn vậy, trước tiên DN phải có thái độ tích cực, hiểu rõ các tiêu chuẩn, sau đó triển khai đầu tư thêm, thay đổi quy trình sản xuất, cách thức quản trị... Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc đáp ứng chuẩn mực của các công ty đa quốc gia đặt ra. Nhiều khi DN còn không biết tiêu chí, chuẩn mực đó. Điểm này DN cũng phải khắc phục, phải hiểu, đặc biệt là hiểu về là các DN đa quốc gia đã hoạt động ở Việt Nam. Ví dụ, Samsung có các chuẩn mực ra sao, Intel có chuẩn như thế nào… Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Nafoods Group: Cần có chính sách hỗ trợ DN XK giảm chi phí Ngoài sản phẩm chế biến, hiện nay Nafoods đang tiên phong trong tiêu thụ quả tươi. Quả tươi Việt Nam hiện chủ yếu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong khi đó chứng chỉ thông dụng để sản phẩm đi vào các thị trường hiện lại là GlobalGAP. Đây là vấn đề cần giải quyết. Ngoài ra, hiện nay để XK 1 kg hàng hóa đi EU, DN mất hơn 3 USD cho chi phí vận tải. Điều này khiến DN XK khó cạnh tranh với các đối thủ, nhất là với Thái Lan. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN XK để giảm chi phí xuống. Về mặt xúc tiến thương mại, những năm qua, mảng xúc tiến thương mại nông nghiệp khá tốt, song DN mong muốn quy mô lớn hơn, hình ảnh rộng mở hơn, mang tính chất là hình ảnh đại diện cho Việt Nam. Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương để khiến mỗi hội chợ của ngành nông nghiệp của Việt Nam đều để lại dấu ấn mạnh với các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan. Đức Quang (ghi) |