Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 16,2 tỉ USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc giảm nhập hàng Việt
Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), lý do khiến tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc tăng đột biến trong gần nửa đầu năm 2019 là bởi tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, lý do hàng đầu là thương chiến giữa 2 nước lớn khiến đồng nhân dân tệ mất giá đến 2,66% chỉ riêng tháng 5-2019. "Nhân dân tệ mất giá gây sức ép lên hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, qua đó làm tăng nhập khẩu của Việt Nam hơn là xuất khẩu sang thị trường này" - TS Phạm Sỹ Thành phân tích.
Đáng lưu ý, cũng theo ông Thành, Việt Nam là nước bán nhiều nguyên liệu đầu vào cho Trung Quốc chế tạo thành phẩm xuất khẩu. Vì thế, rào cản của chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa, đồng nghĩa nước này cũng giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc có khuynh hướng nâng cao điều kiện với hàng hóa nhập khẩu, nên hàng chất lượng thấp của Việt Nam không còn nhiều cơ hội xuất sang nước láng giềng lớn như trước.
Thực tế, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 83%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 28%; vải tăng 13%. Tuy nhiên, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu khác từ Việt Nam qua Trung Quốc bị sụt giảm tỉ trọng rõ rệt. Chẳng hạn, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm giảm 4% về sản lượng nhưng giảm tới 20,7% về trị giá; xuất khẩu sắn những tháng đầu năm cũng giảm 24% về lượng và 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Một triển lãm quốc tế về máy móc, công nghệ vừa diễn ra tại TP HCM có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tham gia bán hàng Ảnh: Tấn Thạnh
TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là cơ hội cho nhiều quốc gia tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu sang 2 nước lớn này. Do vậy, việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang 2 thị trường này không phải dễ dàng.
Báo cáo mới đây của VEPR nhận xét có khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 chỉ ở mức 6,56% trong bối cảnh các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi. Cụ thể, sự gia tăng căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng phải chịu áp lực lớn trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Tăng nhập máy móc, nguyên liệu
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết chưa cần có tác động từ chiến tranh thương mại thì ngành dệt may của Việt Nam hằng năm đã phải nhập 60%-65% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Trong đó, 50% nguyên phụ liệu đến từ Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt số lượng nhỏ bởi Trung Quốc có lợi thế lớn về vải vóc, nguyên liệu và cơ sở sản xuất. Tình trạng này góp phần làm cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam với nước láng giềng có sự chênh lệch lớn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) thép cho rằng mối lo của DN là ở chỗ sản phẩm thép Trung Quốc có thể tràn qua Việt Nam do thuận lợi về đường biên mậu, từ đó gây áp lực cạnh tranh cho DN trong nước.
Thực tế, mới đây Bộ Công Thương phải ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bằng nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế cao nhất lên đến 35,58% từ ngày 5-6. Nguyên nhân là bởi sau gần 2 năm nhôm giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam, thị phần của DN Việt từ 70% đã tụt xuống chỉ còn khoảng 30%.
Trong khi đó, TS Phạm Sỹ Thành nhận định làn sóng đầu tư từ Trung Quốc qua Việt Nam có khả năng làm tăng nhập khẩu chung, bởi các nhà máy này sẽ nhập khẩu máy móc, thiết bị hoặc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để phục vụ gia công, chế biến. Ông Thành dẫn số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan trong 4 tháng đầu năm 2019: Việt Nam đã chi gần 4,4 tỉ USD để nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc - tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm đến 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này.
Mặt hàng khác cũng ghi nhận tăng nhập khẩu từ Trung Quốc là rau, trái cây. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu rau quả đạt 878 triệu USD, tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm 19,6%. Tình trạng này còn diễn ra ở gỗ - một trong những mặt hàng vốn có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, với sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 35,5%.
Nhật vượt Trung Quốc về mua thủy sản Việt Nam
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 553,2 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, Nhật Bản trở lại vị trí là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Mỹ tụt xuống vị trí thứ hai với gần 510 triệu USD (tăng 3,8%), EU thứ ba với gần 499 triệu USD (giảm 11,8%), trong khi Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ tư với 382 triệu USD (giảm 3,9%).
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giải thích vị trí số 1 của thị trường Nhật Bản là tổng hòa nhiều yếu tố gồm: sự chững lại của thị trường Mỹ, sự giảm sút của thị trường Trung Quốc, EU. Sự tăng trưởng của thị trường Nhật Bản còn nhờ hàng rào thuế quan được xóa bỏ (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Nhật Bản và gần nhất là CPTPP) giúp DN 2 bên vốn có mối quan hệ làm ăn truyền thống nên chớp nhanh cơ hội để tăng lượng giao dịch. DN Việt Nam đáp ứng tốt quy định của Nhật Bản cũng giúp xuất khẩu thuận lợi hơn.
Ng.Ánh