Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản đang tăng mạnh, làm dấy lên báo động quốc gia này có thể trở thành ổ dịch Covid-19 lớn tiếp theo. Nó cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu Tokyo, nơi có số ca nhiễm tăng gấp 3 trong 10 ngày qua, sắp sửa bị phong tỏa như nhiều thành phố châu Âu khác, nơi người dân bị buộc phải ở trong nhà để ngăn dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, ngay cả khi Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng không thể cử cảnh sát ra đường để cấm người dân đi lại. Hiến pháp sau chiến tranh của Nhật Bản quy định rõ quyền tự do với công dân nước này. Điều đó khiến những biện pháp cứng rắn nhất của chính phủ cũng không thể phát huy hiệu quả. Thay vào đó, sự tự giác mới là chìa khóa.
Nhật Bản sắp ban bố tình trạng khẩn cấp?
Các Chính trị gia trong đảng cầm quyền ở Nhật Bản nói: "Không". Vào ngày 1/4, Nhật Bản có số ca mắc mới khoảng 2.000, thấp nhất trong nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Mỹ, ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, có khoảng 188.000 ca nhiễm bệnh, vượt xa số người nhiễm bệnh ở Trung Quốc, nơi Covid-19 bùng phát.
Chính phủ của ông Abe thừa nhận rằng số ca nhiễm mới có thể tăng ở Nhật Bản nhưng các nhà lập pháp đã bác bỏ việc ban bố tình trạng khẩn cấp và nói những tin đồn về nó chỉ là trò lừa bịp.
Nếu Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp, nó sẽ có nghĩa gì?
Nếu ông Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp ở một khu vực cụ thể thì tác dụng chính sẽ là tăng quyền hạn của thống đốc các địa phương. Tỷ lệ nhiễm Covid-19 rất khác nhau ở 47 tỉnh của Nhật Bản. Dưới tình trạng khẩn cấp, Thống đốc các tỉnh sẽ có thể thúc giục người dân địa phương tránh đi lại không cần thiết. Tuy nhiên, cư dân có quyền bỏ qua những yêu cầu này. Những người bất tuân sẽ không phải chịu bất cứ hình phạt gì.
Không chỉ các cá nhân, các doanh nghiệp cũng có quyền phớt lờ yêu cầu đóng của của chính quyền bởi luật pháp nước này không cấm họ làm điều đó.
Người Nhật Bản sẽ tuân thủ các yêu cầu?
Cuối tuần trước, thống đốc Tokyo và các tỉnh lân cận đã yêu cầu người dân không đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Một cuộc thăm dò trên tờ Nikkei được công bố sáng 30/3 cho thấy 83% số người được hỏi cho biết họ tránh đi ra ngoài, cao hơn nhiều so với con số 43% của tháng trước.
Đường phố ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản gần như vắng tanh. Các rạp chiếu phim đóng cửa trong khi các cửa hàng còn hoạt động rất vắng vẻ. Trong khi đó, số lượng khách sử dụng tuyến táu điện Yamanote chạy xung quanh trung tâm thủ đô Tokyo đã giảm tới 70% trong năm nay, một con số nói lên nhiều điều.
Tất nhiên, vẫn có những người không tuân thủ các yêu cầu của chính quyền. Dẫu vậy, điều này vẫn nhấn mạnh hiệu quả của phương pháp thuyết phục cộng đồng tại Nhật Bản trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe của chính họ.
Tác động kinh tế sẽ ra sao?
Chỉ thị cuối tuần trước của chính quyền đã khiến nhiều công ty, bao gồm Starbucks Corp, công ty bán lẻ khổng lồ Aeon và nhà điều hành rạp chiếu phim Toho Co. tạm thời đóng cửa một số địa điểm kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có thể sẽ tuân thủ nếu họ tiếp tục được yêu cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng kinh tế Yasutoshi Nishimura hôm 31/3 cảnh báo rằng đóng cửa Tokyo hay Osaka sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này. Chỉ riêng khu vực đô thị Tokyo đã chiếm 1/3 GDP của đất nước, tương đương nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới.
Hiện tại, các ngân hàng dự kiến sẽ vẫn mở cửa dưới bất cứ tuyên bố khẩn cấp nào. Sở giao dịch chứng khoán Tokyo cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.
Nhật Bản có thể thành công?
Trong khi Anh đưa ra mức phạt 75 USD cho các cá nhân vi phạm quy định phong tỏa, Hồng Kông đe dọa truy tố công dân vi phạm các biện pháp kiểm dịch, không có dấu hiệu nào cho thấy Nhật Bản sẽ tiến hành các biện pháp xử phạt người dân bất tuân các yêu cầu đóng cửa. Ký ức đau buồn từ sự độc đoán trong thế kỷ 20 khiến Chính phủ Nhật Bản hiện nay không mạo hiểm để khơi lại.
"Các tình huống khẩn cấp đã bị lạm dụng rất nhiều ở Nhật bản trước chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và người Nhật Bản đã bị tổn thương bởi những điều đó. Một khi các quyền tự do bị hạn chế, rất khó để khôi phục chúng", Liên đoàn Luật sư Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố phản đối tình trạng khẩn cấp.
Dẫu vậy, người dân Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới với việc tuân thủ các quy chuẩn xã hội. Điều này có thể sẽ giúp cho nước Nhật ngăn chặn đại dịch dù không cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tham khảo: Bloomberg