Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội thảo tập huấn về “Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức sáng 6-9.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương cập nhật những thông tin, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm hữu ích để có thể vận dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách cho những định hướng lớn về phát triển "tam nông" tại Việt Nam.
Từng chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tại Bắc Giang hồi tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cách làm OCOP là việc tham khảo một trong những kinh nghiệm thành công điển hình trong phát triển "tam nông" của Nhật Bản từ những năm 1980.
Theo đó, bên cạnh việc thực hiện chiến lược kinh tế-xã hội nói chung, cần chú ý phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển như đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào, khả năng sáng tạo, văn hóa...
“Chúng tôi tin rằng việc học tập những kinh nghiệm về phát triển "tam nông" của Nhật Bản để áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam là thiết thực để có thể giải quyết căn bản những yếu kém, thách thức của nông thôn, nông nghiệp Việt Nam ” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Hội nghị với sự chia sẻ của nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Hiroshi Matsuura ở Đại sứ quán Nhật Bản cho biết ngay từ khi cải tạo đất nông nghiệp, Chính phủ đã đưa máy móc cỡ lớn vào canh tác để nhà nông có nhiều thời gian nhàn rỗi, làm thêm nghề phụ hay làm cho các nhà máy.
Chính phủ Nhật Bản cũng quan tâm tới việc tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp thương mại. Theo đó, khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các kho trữ lạnh, bảo quản tốt nông sản khi tới tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, một quả xoài của Nhật Bản hiện nay có giá tương ứng với 800.000 đồng.
Với tâm thế biến nông nghiệp thành ngành công nghiệp thứ sáu tại Nhật Bản, ông Matsuura cho biết chính phủ tạo cơ chế để không chỉ sản xuất thông thường mà còn gia công, chế biến nhiều sản phẩm khác nhau (kể cả sản phẩm du lịch) từ một loại nông sản. “Chỉ riêng việc cắt rau, củ quả và đóng gói cũng đã là một doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản” - ông Hiroshi Matsuura nói.
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng phải có cơ chế biến ý tưởng thành khả thi, xem xét chính sách khi ban hành có lợi cho ai, thực hiện chuyển dịch lực lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp thành lợi thế của nhà nông và duy trì đất nông nghiệp tối ưu, đa dạng để nông thôn có “sức sống”, hấp thụ tốt công nghệ cao.
Còn Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Yasushi Tanaka đề xuất chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nên chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng có chất lượng qua khai thác tiềm năng cao trong nông nghiệp ở các vùng lãnh thổ.
“Việt Nam cần phát triển các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp không phải là các công ty sản xuất theo hình thức gia công xuất khẩu. Coi trọng thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm” - ông Yasushi Tanaka đề nghị.
Đồng thời ông Tanaka đề nghị Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp liên quan tới hợp tác công tư. JICA sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản sở hữu công nghệ tiên tiến nhưng không có mạng lưới ở nước ngoài.