Luật Bảo vệ Sức khỏe (sửa đổi) của Nhật Bản chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2020, việc hút thuốc sẽ bị cấm tại các nhà hàng, quán bar, văn phòng và khách sạn (ngoại trừ một số phòng trọ dành cho khách hút thuốc).
Ở các nhà hàng, quán bar, thực khách sẽ không được phép hút thuốc ở phòng chung. Họ sẽ phải hút trong một phòng riêng, thông thoáng và căn phòng này sẽ không được phép uống rượu hay ăn uống. Chủ cơ sở sẽ bị phạt đến 500.000 yên (khoảng 104,8 triệu đồng) nếu để khách hàng hút thuốc ở những khu vực bị cấm.
Người hút thuốc lá nơi công cộng sẽ bị phạt tới 300.000 yên (khoảng 62,7 triệu đồng).
Đối với các cửa hàng có số vốn ít hơn 50 triệu yên (khoảng 10,4 tỷ đồng) hoặc diện tích nhỏ hơn 100 m2, khách tới sẽ được phép hút thuốc tại phòng chung. Tuy nhiên, người chủ phải ghi biển hiệu cảnh báo ở bên ngoài để khách có thể biết và quyết định sẽ vào bên trong hay không. Những người dưới 20 tuổi sẽ không được vào các cửa hàng này.
Ngoài ra, các quán mới mở sau khi luật được ban hành, dù số vốn và diện tích là bao nhiêu, cũng sẽ bắt buộc phải có phòng hút thuốc riêng. Nếu không, họ không được phép cho khách hút.
Không chỉ Nhật Bản "mạnh tay" với thuốc lá, Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) của Singapore cũng đang lên kế hoạch triển khai các camera cảm biến nhiệt trên khắp đảo quốc Sư tử nhằm phát hiện hành vi hút thuốc trong những khu vực cấm.
Tại Singapore, hành vi hút thuốc lá hiện bị cấm tại khoảng 32.000 cơ sở và địa điểm, bao gồm các cửa hàng giải trí, trung tâm mua sắm, văn phòng, bệnh viện, trạm xe buýt, lối đi có mái che, hành lang thang máy, cầu thang và lối vào tòa nhà. Được biết, bất kể ngày hay đêm, camera cảm biến nhiệt đều có thể phát hiện hành vi hút thuốc lá.
Nhật Bản là một trong những nước tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất thế giới.
Những người bị phát hiện đang hút thuốc trong các khu vực cấm có thể bị phạt 200 USD (4,6 triệu đồng) ngay tại chỗ, hoặc lên tới 1.000 USD (20,3 triệu đồng) nếu bị kết án tại tòa.
Ở Mỹ, sau khi có báo cáo tổng hợp liên quan đến tác hại thuốc lá được công bố năm 1964, luật liên bang về dán nhãn và quảng cáo sản phẩm đã được ban hành một năm sau đó. Đến 2016, Mỹ đã thông qua nhiều luật khác, sửa đổi và bổ sung một số quy định như là một phần trong chiến lược kiểm soát thuốc lá.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn cho biết thuốc lá giết 200 người mỗi ngày ở quốc gia này. Từ 2007, Pháp cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng và nhiều năm qua đã có những hành động chống lại nguy cơ từ khói thuốc. Các loại thuế đã được ban hành để tăng giá sản phẩm này từ 9 lên 12 USD vào năm 2020.