Đài NHK (Nhật Bản) mới đưa tin, Chính phủ Nhật muốn tổ chức lễ ký tại nước này hoặc Chile vào đầu tháng 3 năm sau.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nền kinh tế số 1 thế giới khỏi TPP ngay sau khi lên nắm quyền, tại Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11, bộ trưởng thương mại 11 nước còn lại đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy hiệp định này và đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiện Nhật Bản và Canada là hai nền kinh tế nhất trong khối 11 nước còn lại của hiệp định. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau lại tỏ ra lưỡng lự với hiệp định này, đồng thời muốn sửa đổi một số điều khoản, trong đó có lĩnh vực văn hóa, NHK đưa tin.
Hiện Chính phủ Nhật Bản đang thuyết phục Canada sớm thông qua hiệp định, với lý do rằng việc nhanh chóng thực thi thỏa thuận này là rất quan trọng để thúc giục Mỹ tham gia trở lại trong tương lai.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 22/12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về việc hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy để sớm hoàn tất đàm phán và ký kết một Hiệp định CPTPP toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, Cổng điện tử Chính phủ đưa tin.
Trong buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn truyền thông Nikkei hôm 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết 11 nước thành viên còn lại của hiệp định nên để mở rộng cánh cửa để Mỹ quay lại để “đảm bảo lợi ích của các nước thành viên khác và của chính nước Mỹ”.
Theo Nikkei, nếu Mỹ tham gia trở lại, các thành viên của TPP sẽ chiếm 37,5% tổng GDP toàn thế giới, 11,3% dân số và 25,7% tổng thương mại toàn cầu – cao gấp đôi kim ngạch thương mại của TPP-11.