Cũng giống như nhiều giải đấu thể thao khác, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đã phải lùi ngày tổ chức lại 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chỉ còn 2 tháng nữa các cuộc thi tài ở Thế Vận Hội sẽ bắt đầu. Thế nhưng lúc này, Nhật Bản đang phải chật vật chống lại làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 và ngày càng có nhiều tiếng nói ở trong nước đòi hủy sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này.
Vừa phải chạy đua với thời gian ngăn chặn làn sóng Covid-19 với những biến chủng mới, vừa phấp phỏng lo làm sao giữ được Thế vận hội mùa Hè Tokyo, đó là áp lực kép mà chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga đang phải đương đầu trong lúc này. Liệu sự kiện thể thao được mong chờ có bị hoãn một lần nữa?
Làn sóng kêu gọi hủy bỏ Olympics ngày càng mạnh mẽ
Trong những ngày qua, một số đảng phái đối lập Nhật Bản tiếp tục yêu cầu chính phủ hủy bỏ hoặc hoãn tổ chức Thế vận hội. Một số nghị sĩ cho rằng nếu Nhật Bản tổ chức Thế vận hội, thì sau khi kết thúc sự kiện, nguy cơ lây nhiễm mất kiểm soát có thể xảy ra và việc khôi phục kinh tế càng khó khăn.
Một nhóm bác sĩ thuộc Hội bác sĩ toàn Nhật Bản cũng đã gửi thư lên Thủ tướng Nhật Bản và yêu cầu hủy tổ chức Olympics với lý do sự kiện này sẽ là môi trường thuận lợi cho virus biến chủng mới lây lan.
Bên cạnh đó, một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi hủy bỏ Olympic và Paralympic Tokyo đã thu được hơn 350.000 chữ ký từ cả trong và ngoài Nhật Bản. Số người ủng hộ hủy vẫn tiếp tục tăng lên. Bản kiến nghị này đã được gửi lên Chính phủ Nhật Bản và chính quyền Tokyo, cũng như Ủy ban Olympic Quốc tế.
Nhiều người dân đã bày tỏ không mong muốn tổ chức sự kiện này. Theo một điều tra mới nhất của hãng tin Kyodo công bố vào chiều ngày hôm qua (15/5), thì có tới 59,7% người dân mong muốn hủy sự kiện.
Về mặt đối ngoại, Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ của đồng minh thân cận là Mỹ về cam kết hỗ trợ tổ chức thành công sự kiện, ngay cả khi tổ chức không có người xem, với sự tham gia hạn chế của khách mời. Tuy nhiên, một số quốc gia có ý định không cử vận động viên tham gia, hoặc e ngại tham gia. Khả năng cao con số sẽ gia tăng trong thời điểm gần ngày khai mạc.
Trong 47 tỉnh thành, hiện có 6 tỉnh thành bao gồm Tokyo đang đặt trong tình trạng khẩn cấp, 8 tỉnh thành cần áp dụng biện pháp tăng cường chống dịch. Số ca mắc vẫn dao động từ 6.000 -7.000 ca/ngày, trong đó Osaka, Tokyo là nơi có số ca nhiễm mới nhiều nhất. Số ca tử vong và bệnh năng vẫn tăng.
Mặc dù đang đối mặt với những áp lực lớn, trong phát biểu mới nhất của Thủ tướng Suga Yoshihide vào ngày 14/5 bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức Thế vận hội với việc đảm bảo đầy đủ sự an toàn, sức khỏe cho nhân dân và công việc chuẩn bị vẫn đang được xúc tiến. Thị trưởng Tokyo thì cho rằng việc tổ chức sự kiện một cách an toàn, an tâm là hết sức quan trọng. Công việc chống dịch và chuẩn bị vẫn đang được song song tiến hành, bởi một số sự kiện thể thao trên thế giới vẫn đang được tổ chức.
Như vậy, việc tổ chức hay hủy, hoặc hoãn vẫn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của chính phủ Nhật Bản. Quyết định này có thể sẽ được đưa ra vào tháng sau, và dù có tổ chức hay hủy, thì cũng phải khẳng định rằng Nhật Bản có những thiệt hại lớn về mặt kinh tế trong sự kiện này do đại dịch Covid-19.
Bài toán đảm bảo an toàn
Nhật Bản là một trong những quốc gia có vaccine sớm nhất với số lượng liên tục. Nhật Bản cam kết sẽ chi 4,7 tỷ USD để mua vaccine và số lượng sẽ không thiếu để tiêm cho toàn dân.
Tuy nhiên, đến nay, ngay cả những đối tượng ưu tiên là đội ngũ y tá, bác sĩ…vẫn chưa tiêm xong. Mặc dù, từ đầu tháng 4, người già là đối tượng ưu tiên tiếp theo đã được tiêm, nhưng đến nay tỷ lệ tiêm mũi thứ hai vẫn thấp. Những đối tượng tiếp theo đang chờ. Một số chuyên gia cho rằng một trong những lý do chậm trễ tiêm chủng là bởi văn hóa người Nhật Bản luôn phải theo những nguyên tắc, qui chuẩn khắt khe. Theo kết quả điều tra mới nhất của hãng tin Kyodo, có tới 85% số người được hỏi đánh giá việc tiêm chủng của Nhật Bản là chậm.
Hiện các công ty Pfizer, công ty Johnson & Johnson của Mỹ, công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản đã có vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản.
Trong bối cảnh hiện tại, việc tiêm chủng, tích cực thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây lan ảnh hưởng khá lớn đến quyết định của Nhật Bản có nên tổ chức Thế vận hội hay không.
Công việc chuẩn bị cho Lễ khai mạc Thế vận hội rất tốt, những kịch bản đảm bảo an toàn cho vận động viên tham gia, khách mời rất chu đáo. Công tác đảm bảo an ninh đã được chuẩn bị cả năm. Nhưng do virus biến chủng mới từ Anh, Nam Phi, đặc biệt là Ấn Độ đang rất phức tạp. Do vậy, ngay cả khi Nhật Bản chuẩn bị tốt đến đâu cũng không thể lường hết nguy cơ dịch biến chủng mới lây lan trong cộng đồng khi có hàng chục nghìn người từ nước ngoài đến cùng một lúc. Điều này có lẽ là bài toán hóc búa nhất đối với Nhật Bản lúc này.
Giải pháp cải thiện tình hình
Trong các kế hoạch đã vạch ra thì việc tiêm chủng phải thực hiện theo đúng thời gian. Nhưng trong quá trình thực hiện tiêm chủng có nhiều phát sinh không lường trước, đặc biệt là tâm lý của người được tiêm chủng. Do vậy, sẽ khó để biết liệu tiến trình tiêm chủng sẽ có bước đột phá trong vòng 2 tháng tới hay không.
Thủ tướng Nhật Bản đang tích cực thảo luận với các chuyên gia để đưa ra biện pháp chặt chẽ khi Thế vấn hội khai mạc như: không cho phép nhân dân, khán giả tiếp xúc với những vận động viên, cá nhân tham gia, chỉ định những khách sạn chuyên biệt để đón tiếp những người tham gia, khả năng cung cấp miễn phí vaccine cho những vận động viên, người tham gia.
Một mặt, Nhật Bản vẫn tích cực chuẩn bị cho Thế vận hội, nhưng cũng không loại trừ khả năng hủy hoặc tiếp tục hoãn sự kiện này. Thường thì đối với những sự kiện lớn, đặc biệt sự kiện lại diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid-19, và có thể sẽ có những ảnh hưởng khó lường sau sự kiện, Nhật Bản sẽ có quyết định gần giờ chót. Chính phủ Nhật Bản vẫn đang rất quyết tâm để tổ chức thành công sự kiện vốn đã được chuẩn bị và mong đợi nhiều năm nay.