Ông yêu cầu tất cả trường học trên cả nước đóng cửa trong khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, việc này lại khiến rất nhiều phụ huynh và các nhà phân tích bất ngờ.
Thông báo bất ngờ của chính phủ
Trong bối cảnh số lượng ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng lên và Nhật Bản bất ngờ đối diện với cuộc thảo luận về việc Olympic tổ chức tại Tokyo trong năm nay có thể bị huỷ bỏ, ông Abe đã đưa ra động thái mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh. Yêu cầu đóng cửa trường học đã được nhiều quốc gia thực hiện, đây dường như là một động thái bất ngờ và trái ngược đối với lập trường thận trọng mà chính phủ nước này đưa ra kể từ khi virus corona bùng phát.
Không như Hàn Quốc, Nhật Bản không chứng kiến số lượng ca nhiễm bệnh tăng vọt. Tính đến ngày 28/2, quốc gia này ghi nhận 210 trường hợp dương tính với virus corona và 4 người tử vong. Ngoài ra còn có hơn 700 người nhiễm bệnh và 4 người chết do Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess.
Dẫu vậy, tình trạng báo động trên toàn cầu, cùng những điều không chắc chắn về sự kiện Olympic, đã tăng lên khi dịch bệnh bùng phát mạnh bên ngoài Trung Quốc. Những động thái mà ông Abe đã phản ánh những mối lo ngại về tình hình hiện tại, khi ông yêu cầu các sự kiện văn hoá và thể thao lớn phải hoãn hoặc huỷ bỏ trong những tuần tới, dù 1 ngày trước đó ông cho biết việc này là không cần thiết.
Khi đưa ra yêu cầu đóng cửa trường học, ông Abe cho biết ông "ưu tên cho sức khoẻ và sự an toàn đối với trẻ em cả nước" và nỗ lực ngăn chặn nguy cơ bùng phát trên diện rộng – có thể đẩy nguy cơ nhiễm bệnh lên cao khi "nhiều trẻ em và giáo viên tập trung hàng ngày trong khoảng thời gian dài." Phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp với lực lượng ứng phó với virus corona, Thủ tướng cho biết các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học nên đóng cửa trong kỳ nghỉ xuân – đến tháng 4.
Dù các trường học ở Hokkaido và Osaka đã đóng cửa, nhưng thông báo của ông Abe cũng khiến nhiều phụ huynh và các nhà phân tích bất ngờ.
Giới phân tích cho rằng động thái này không thực sự hiệu quả
Chelsea Szendi Schieder – phó giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo, nhận định: "Có vẻ như điều này thực sự bất ngờ. Tác động của thông báo này đối với người dân và cuộc sống hàng ngày của họ sẽ là rất lớn, đến mức tôi không chắc chắn rằng việc đóng cửa trường học có hiệu quả về mặt sức khoẻ cộng đồng."
Kentaro Iwata – một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, đã từng chỉ trích phản ứng của chính phủ đối với tình trạng bùng phát dịch bệnh trên du thuyền Diamond Princess. Ông nhận định rằng việc đóng cửa trường học không phải là điều đảm bảo về mặt y tế. Iwata nói: "Tôi không hiểu việc này. Về cơ bản, trẻ em là đối tượng khả năng nhiễm bệnh thấp, kể cả khi đã nhiễm thì bệnh cũng không có chuyển biến nghiêm trọng."
Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết sự tính toán về chính trị ở đây có thể quan trọng hơn vấn đề khoa học, đặc biệt là khi Olympic dự kiến được tổ chức vào tháng 7. Tobias Harris – chuyên gia chính trị Nhật Bản tại Teneo Intelligence, nhận định: "Sự kiện Olympic đã phủ bóng đen đối với phản ứng của chính phủ trong suốt khoảng thời gian này. Ngay từ đầu, phản ứng đã có chút cẩn trọng vì họ lo ngại khách du lịch nước ngoài sẽ tránh Nhật Bản. Và giờ đây họ nhận ra rằng chỉ còn cách ngăn chặn sự bùng phát, do đó nguy cơ Olympic bị huỷ bỏ ngày càng rõ ràng."
Dù yêu cầu đóng cửa trường học khi số ca nhiễm bệnh ở Nhật vẫn chưa vượt quá 200 người được cho rằng là phản ứng thái quá của chính phủ, thì một số chuyên gia lưu ý rằng động thái ứng phó phần nào còn hạn chế có nghĩa là vẫn số lượng người nghi nhiễm chưa được xét nghiệm là rất nhiều. Con số thực tế ở đây có thể cao hơn rất nhiều.
Jeff Kingston, giám đốc lĩnh vực nghiên cứu châu Á tại Temple University, cho hay: "Việc giải quyết một cuộc khủng hoảng và phát triển các chính sách an toàn phụ thuộc vào quy mô của vấn đề."
Trước đây, chính phủ Nhật Bản cũng bị chỉ trích rất gay gắt về phản ứng chậm chạp đối với khủng hoảng, đó là thảm hoạ hạt nhân ở Fukushima sau trận động đất và sóng thần năm 2011.
Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Temple University, nhận định: "Khi có mối đe doạ mà mọi người chưa hiểu hết, đôi khi bạn phải bắt tay vào thực hiện, ngay cả khi nó không liên quan. Bất kỳ động thái nào cũng mang lại ấn tượng cho cử tri rằng chính phủ của họ đang chịu trách nhiệm."
Phụ huynh lo lắng khi các công ty không khuyến khích nhân viên làm việc từ xa
Các phụ huynh ở quốc gia này cũng bày tỏ sự lo lắng trên mạng xã hội, họ cho biết trường học đóng cửa là một vấn đề đối với họ. Đây cũng là một thách thức mà các gia đình ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng gặp phải. Một người dùng Twitter chia sẻ: "Là một người lớn lên trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ, tôi hy vọng chính phủ và các công ty sẽ có những biện pháp hỗ trợ những cha mẹ đơn thân, gia đình có 2 nguồn thu nhập và những gia đình gặp khó khăn trong công việc."
Toshihito Kumagai, thị trưởng thành phố Chiba, cũng viết trên Twitter rằng ông rất bất ngờ về thông tin này và bày tỏ sự lo lắng đối với những vị phụ huynh làm bác sĩ, nhân viên xã hội, cảnh sát và lính cứu hoả. Ông cũng băn khoăn về tính hiệu quả của biện pháp này khi các vị phụ huynh tiếp tục đến những nơi đông người như bến tàu.
Trong khi một số công ty đã đưa ra chính sách làm việc từ xa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thì Nhật Bản từ lâu đã không khuyến khích việc này, ngay cả khi người lao động gặp vấn đề giữa làm việc và chăm sóc con.
Hajime Kawaguchi – một luật sư ở Nagoya có chuyên môn về quản lý khủng hoảng, cho hay: "Tôi có 2 con đang học tiểu học. Vợ tôi cũng đi làm, bởi vậy chúng tôi đang bàn đến việc gửi 2 con đến nhà ông bà ở Hiroshima." Ông chia sẻ: "Tôi nhận được cuộc gọi từ một bố đơn thân đang sống cùng 2 con, làm việc tại nhà máy Toyota. Anh ấy không có thời gian nghỉ ngơi và đang băn khoăn không biết phải làm gì vào tuần tới."
Dẫu vậy, một số phụ huynh cho biết họ hài lòng với quyết định này của chính phủ, vì vẫn còn nhiều điều cần biết về đường lây lan của virus. Emi Takase, giám đốc phòng PR tại Hitachi, chia sẻ rằng con trai 12 tuổi của chị bị hen suyễn và chị rất lo lắng về nguy cơ bé sẽ bị nhiễm bệnh. Takase nói: "Thực lòng, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm."
Takase cho biết công ty chị đã tổ chức một buổi diễn tập để biết liệu các nhân viên có thể giải quyết công việc khi làm tại nhà hay không. Chị nói: "Mặt khác, tôi cảm thấy có rất nhiều người không may mắn như mình. Bởi vậy, tôi hy vọng Nhật Bản sẽ tận dụng thời cơ để tìm hướng giải quyết phù hợp, bởi rõ ràng phản ứng đầu tiên của các bậc phụ huynh khi nghe tin trường học đóng cửa là ‘chúng tôi phải làm gì bây giờ’?"
Tham khảo New York Times