Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh của Nhật Bản trong tháng 9/2018 đạt 14.582 tấn, trị giá 11.568 triệu yên, tăng 6% về khối lượng và 12% về giá trị so với tháng 8 trước đó, so với cùng kỳ năm trước giảm 32% về khối lượng và 21% về giá trị. Tuy nhiên, do sự sụt giảm của những tháng trước đó nên tổng 9 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản chỉ nhập khẩu 122.566 tấn cá ngừ tươi và đông lạnh, trị giá 84.434 triệu yên, giảm 20% về khối lượng và 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, nhập khẩu cá ngừ tươi của Nhât Bản trong tháng 9 đạt 1.050 tấn, trị giá 1.690 triệu yên, giảm 22% về khối lượng và 20% về giá trị so với tháng 8 trước đó, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 16% về khối lượng và 4% về giá trị.
Còn nhập khẩu cá ngừ đông lạnh cũng có xu hướng giảm. Tháng 9, nhập khẩu cá ngừ đông lạnh của nước này chỉ đạt 13.535 tấn, trị giá 9.878 triệu yên, giảm 4% về khối lượng và 11% về giá trị so với tháng 8 trước đó, so với cùng kỳ năm trước giảm 33% về khối lượng và 23% về giá trị.
Trong các dóng sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, thăn/philê cá ngừ đông lạnh là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này. So với cùng kỳ năm 2017, giá trị xuất khẩu thăn/philê cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản tăng.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 14 trong số 28 nước xuất khẩu dòng sản phẩm cá ngừ sang thị trường Nhật Bản. Hiện các nước quốc đảo đang là nguồn cung chủ lực dòng sản phẩm này cho Nhật Bản. Với tiềm lực về khai thác mạnh, lợi thế cạnh tranh và khả năng cung cấp của các nước quốc đảo cao hơn hẳn so với Việt Nam.
VASEP dự báo, nguồn cung cá ngừ trong nước của Nhật Bản cao nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ, chính vì vậy nhập khẩu cá ngừ tươi sống và đông lạnh của nước này giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi và đông lạnh cao trong nửa đầu năm nhưng sau đó giảm, nên dự kiến nhập khẩu dòng sản phẩm này của Nhật Bản cuối năm sẽ tiếp tục giảm.