Hiện các công ty thuộc ngành tiện ích của Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng, sau khi Thủ tướng Fumio Kishida thông báo lệnh cấm đối với than đá của Nga và các lệnh trừng phạt khác.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Eugene Hoshiko / Pool via REUTERS
Thủ tướng Kishida đang tìm cách cân bằng an ninh năng lượng cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trước sức ép ngày càng tăng từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã chỉ đạo các công ty điện lực đảm bảo rằng họ có đủ nguồn năng lượng dự trữ trong 3 tuần, đồng thời kêu gọi các công ty khí đốt và điện lực bán khí đốt dự phòng cho nhau. Các quan chức của Bộ cũng đang thảo luận về các biện pháp sử dụng LNG với các đại diện trong ngành.
Nhật Bản đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn tiếp tục hoạt động nhập khẩu từ các dự án dầu khí Sakhalin ở Viễn Đông của Nga, nơi Chính phủ và các công ty Nhật Bản nắm giữ cổ phần.
Song, câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể duy trì nguồn cung khí đốt từ dự án Sakhalin hay không, sau khi Nga đe dọa cắt khí đốt đối với các nước "không thân thiện", trừ khi họ thanh toán bằng đồng ruble.
Trước sự bất ổn liên quan đến hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga, các công ty trong ngành tiện ích của Nhật Bản đã bắt đầu tìm cách thay thế khí đốt của Nga, chiếm 9% lượng tiêu thụ LNG tại Nhật Bản.
Tokyo Gas - công ty nhận 10% lượng LNG từ Nga, cũng đang cố gắng mua thêm khí đốt trực tiếp từ các nhà sản xuất để tránh thị trường giao ngay, nơi giá đắt gấp 5 lần. Người phát ngôn của Tokyo Gas cho biết công ty có thể tăng nguồn cung từ Mỹ theo các hợp đồng hiện có.
Trước đó, vào tháng 4/2021, nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được đưa vào cùng tham gia các thoả thuận chia sẻ dầu mỏ với Nhật, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu không bị gián đoạn với các chuỗi cung ứng nước ngoài.
Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm xây dựng các thỏa thuận chia sẻ dầu với Hiệp hội các quốc gia thành viên Đông Nam Á. Theo một đề xuất, mỗi bên tham gia sẽ xây dựng dự trữ dầu thô riêng lẻ, cùng với xăng, nhiên liệu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác, để chuẩn bị cho trường hợp khi nguồn cung bị gián đoạn.
Cả Nhật Bản và các nước ASEAN đều phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ Trung Đông. Hơn 60% các chuyến hàng dầu thô đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến từ Trung Đông. Tính dễ bị tắc nghẽn của các dòng chảy này đã được chứng minh một lần nữa hồi tháng 3/2021, khi con tàu chở hàng lớn bị mắc kẹt ở kênh đào Suez, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, từ gia súc đến dầu thô. Đây là rủi ro mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các nhà sản xuất khác hoạt động tại Đông Nam Á phải đối mặt.
Cùng giai đoạn, Nhật Bản cũng tiến hành đàm phán với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và các nước ASEAN khác để ký kết các thỏa thuận hợp tác tương tự. Đối với Philippines, Nhật Bản xem xét một hình thức khác, trong đó Nhật Bản sẽ đưa ra hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dự trữ xăng dầu.
Tháng 3/2021, Tập đoàn Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản (Jogmec), đã cùng Cơ quan Năng lượng Quốc tế và các nhóm khác tổ chức cuộc họp với đại diện của 8 chính phủ ASEAN. Tại đó, phía Nhật Bản đã đề nghị đạt được sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của trữ lượng dầu mỏ và hợp tác.
Vào tháng 12/2020, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận với Kuwait để xây dựng một kho dự trữ dầu chung ở Nhật Bản. Thỏa thuận cũng có một cơ chế trong đó một số dự trữ có thể được chia sẻ với các quốc gia châu Á thứ ba nếu Nhật Bản và Kuwait đồng ý.