Lễ khai mạc Olympic Tokyo sẽ chính thức diễn ra vào ngày 23/7, đánh dầu lần thứ 2 thành phố này là chủ nhà của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, sau lần đăng cai đầu tiên năm 1964. Giữa hai lần tổ chức Olympic, Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều.
Năm 1964 là năm nhóm nhạc The Beatles cho ra mắt ca khúc “A Hard Day’s Night” và Cassius Clay (sau này được biết đến với tên gọi Muhammad Ali) giành ngôi vô địch thế giới quyền anh hạng nặng. Năm này cũng đánh dấu quãng thời gian 19 năm sau khi Nhật Bản phải nếm mùi thất bại trong Thế Chiến II và chỉ mới “trỗi dậy” từ “một đống đổ nát”.
57 năm đã trôi qua. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tính đến năm 2019, GDP đầu người của đất nước mặt trời mọc đã chạm ngưỡng 40.114 USD, cao hơn mức bình quân của các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Đó là một “bước nhảy lớn và toàn diện” nếu đem so sánh với năm 1964. Ở thời điểm đó, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản mới chỉ ở ngưỡng 843 USD, bằng một nửa so với bình quân của khối.
Giữa hai lần tổ chức Olympic, Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều. Ảnh: Reuters/Getty Images.
Nhật Bản trong những năm 1960 mới chỉ đang đứng ở vạch xuất phát cho cuộc đua trở thành một quốc gia giàu có và hiện đại.
Công trình đường cao tốc đầu tiên tại Nhật Bản được xây dựng vào năm 1963, và đoàn tàu cao tốc đầu tiên của quốc gia này lăn bánh chỉ vài ngày trước khi Olympic 1964 chính thức khai mạc. Kỳ Olympic đầu tiên này cũng là động lực để Nhật Bản cho xây dựng hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng phát triển, trong đó bao gồm nhiều công trình phục vụ thể dục, thể thao.
Cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đã diễn biến chậm lại trong những năm 1990, GDP của Nhât Bản vẫn tăng khoảng 18 lần so với năm 1964, nhờ vào sức mua, nguồn vốn đầu tư và năng lực xuất khẩu mạnh mẽ.
Với sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của nền kinh tế, mức sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Ví dụ, mức lương tháng khởi điểm của một cử nhân đại học tăng khoảng 10 lần so với 50 năm về trước, đạt 210.200 yên (tương đương 1.910 USD) năm 2019.
Tốc độ tăng trưởng thu nhập trong kỷ nguyên hậu chiến cũng góp phần thúc đẩy đà gia tăng dân số. Năm 1964, dân số của Nhật Bản vào khoảng 97,1 triệu người, vượt mốc 100 triệu dân chỉ 3 năm sau đó. Hiện tại, dân số của Nhật Bản là khoảng 126,2 triệu người, và quốc gia này là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Yên Nhật Bản cũng tăng giá mạnh, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, và nhờ vào chính sách thả nổi tỷ giá của Nhật Bản từ năm 1973. Năm 1964, mất 360 yên để đổi 1 USD. Hiện tại, để có 1 USD, người dân Nhật Bản chỉ phải bỏ ra 110 yên.
Sự tăng giá trị của yên mang lại nhiều tác động xã hội vô cùng to lớn. Nó cho phép người dân quốc gia này có thể dễ dàng di chuyển ra nước ngoài hơn bao giờ hết. Và cũng chính vì lý do đó, Nhật Bản và người dân Nhật Bản, trong mắt người dân toàn thế giới, có mức độ toàn cầu hóa rất cao.
Điều đó được thể hiện qua chính đội ngũ vận động viên tham gia kỳ Olympic lần này của Nhật Bản. Có không ít vận động viên đã sống và trưởng thành tại nhiều quốc gia khác, như vận động viên bóng rổ NBA Yuta Watanabe, và tay vợt số 2 thế giới trong làng banh nỉ Naomi Osaka, người đã từ bỏ quốc tịch Mỹ vào năm 2019 để có thể tham dự Olymic Tokyo với tư cách một vận động viên chủ nhà.