Thời mới vào ngân hàng làm việc, một chị trưởng phòng có tâm sự với tôi rằng "Nghề ngân hàng hay lắm em, làm nghề này mình được tiếp xúc với nhiều người – được đi nhiều nơi lắm. Tính ra mình biết được rất nhiều điều nhưng chị thấy cái gì cũng biết một tí nhưng không có cái gì trọn vẹn cả. Sau này không biết hết làm ngân hàng rồi mình sẽ làm gì ?". Qua một thời gian làm việc trong lĩnh vực ngân hàng tôi nhận thấy tâm sự này đúng là "không của riêng ai". Ấy thế mà nhiều năm nay có rất nhiều bạn làm việc trong ngân hàng bắt đầu làm thêm các công việc khác như giảng dạy thêm tại các trường đại học, đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, bán hàng online …và thậm chí là mở công ty riêng bên ngoài hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực.
Gần 15 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng tôi đã nhận được không ít lời mời cộng tác với khách hàng làm thêm công việc kinh doanh bên ngoài. Nhưng vì vốn ít, không có nhiều kinh nghiệm và hơn hết là sợ ảnh hưởng đến công việc chính đang làm nên đều từ chối tham gia.
Mấy năm gần đây, tình hình ấm lên của thị trường bất động sản nên tôi cũng đầu tư bất động sản và tìm tòi lấy được một số chứng chỉ hành nghề. Sau thời gian này tôi và một vài anh em thành lập hẳn một công ty môi giới bất động sản, và cũng vừa kịp đúng thời điểm thị trường tăng trưởng, chúng tôi đã có được một số thành công nhất định. Riêng cá nhân tôi đã có được một số tài sản tương đối từ công việc này bên cạnh ngành nghề chính ngân hàng vẫn duy trì.
Thừa thắng xông lên tôi tiếp tục mở rộng thêm lĩnh vực dịch vụ cung ứng thực phẩm và tổng đại lý bảo hiểm. Một điều rất may mắn là hầu như các mảng kinh doanh đều khá ổn, tuy nhiên ngay tại thời điểm này lại phát sinh rất nhiều vấn đề.
Xem thêm tất cả các bài viết Nghề tay trái tại đây
Thứ nhất, tôi không có thời gian dành cho cá nhân và gia đình. Vì đảm nhiệm quá nhiều công việc tại ngân hàng và công ty bên ngoài nên hầu như tôi không có thời gian trống, giờ nghỉ trưa phải tranh thủ họp với nhân sự công ty riêng. Buổi tối sau khi tan ca lại phải tiếp tục xử lý một số công việc, xem lại số liệu kế toán hoặc đôi khi gặp gỡ một số đối tác.
Thứ hai, tôi bắt đầu gặp phải một số vấn đề về dòng tiền. Vì đầu tư dàn trải nên lúc nào cũng phải lo nghĩ đến tiền mặt bằng, tiền lương nhân viên, chi phí tiếp khách … hàng trăm thứ chi phí phát sinh hàng tháng.
Thứ ba, công việc chính bắt đầu có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Mặc dù ngay từ thời điểm bắt đầu tôi đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ, tránh sự tác động qua lại và duy trì cân bằng hai công việc một cách cao nhất. Tôi lấy ví dụ cho bản thân là có rất nhiều ông chủ nhà băng đang điều hành gián tiếp hàng chục công ty bên ngoài mà mọi việc vẫn ổn đấy thôi thì công việc mình có nghĩa lý gì. Tuy nhiên hiệu suất của công việc chính của tôi đã có dấu hiệu giảm sút, nếu tôi bắt đầu dồn thời gian lại cho công việc chính thì tình hình công ty riêng lại bị gián đoạn và ngược lại.
Cuối cùng tôi bàn với gia đình và chuẩn bị đưa ra quyết định nghỉ ngân hàng để biến nghề tay trái thành nghề chính của mình. Trong thời gian này tôi đã cố gắng tìm kiếm lời khuyên từ rất nhiều anh chị em đi trước, cho đến một ngày tôi gặp một người bạn đã không còn làm banker một thời gian. Bạn ấy chỉ nói với tôi vỏn vẹn vài câu "nghỉ phép hai tuần đi, tập trung 100% cho công việc riêng nếu nhớ nghề ngân hàng thì bỏ công ty đi. Có phải bạn vui khi có thêm công việc bên ngoài để làm không, chứ kiếm thêm tiền bao nhiêu mà đủ. Mình bây giờ nhớ nghề ngân hàng lắm mà có quay lại được đâu !"
Thế là tôi đưa ra quyết định ngưng hết tất cả hoạt động của công ty riêng bên ngoài trước sự ngỡ ngàng của nhiều người không hiểu lý do tại sao đang hoạt động tốt vậy mà ngưng lại. Giờ đây ngay thời điểm đại dịch Covid đang bùng phát, tôi vẫn đang gắn bó với nghề banker mà mình đã chọn và dần lấy lại được sự cân bằng cho bản thân trong công việc cũng như cuộc sống riêng.
Tôi chợt nhận ra rằng tôi đến với nghề tay trái bởi vì một phần tôi bị cuốn vào guồng công việc và một phần vì tâm lý "thấy người ta làm được thì mình làm thử", công việc riêng bên ngoài thực ra chỉ là một cái cớ để tôi và rất nhiều bạn banker khác đang tìm cách để trốn tránh những áp lực – trốn tránh những mệt mỏi – khơi dậy những động lực làm việc mới trước những áp lực về quy trình quy định, về chỉ tiêu doanh số hàng ngày trong ngân hàng mà thôi. Nhìn rộng ra thì quanh tôi có nhiều bạn cũng làm nghề tay trái nhưng đi sâu vô thì thu nhập không được bao nhiêu, ví dụ như làm giảng viên dạy ngoài giờ thì thỉnh thoảng làm, buôn bán online thì bán được vài bữa nửa tháng thì ngưng, góp vốn kinh doanh thì nhờ người khác điều hành rồi một thời gian không quản được lại xin rút …
Do vậy tôi nghĩ rằng cá nhân tôi và một số bạn tôi quen đang nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, "nghề tay trái" ở đây đang hiểu nhầm. Chắc hiểu cho đúng thì gọi là những công việc phụ hay những công việc theo sở thích ngoài giờ làm việc thì đúng hơn. Để gọi là nghề thì bạn phải tham gia việc đào tạo và sau thời gian này, bạn tham gia vào quá trình sản xuất/kinh doanh để tạo ra những giá trị tinh thần hay vật chất nhất định. Và một điều chắc chắn là công việc bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp chính ngân hàng đó là điều không thể tránh khỏi.
Câu chuyện cá nhân tôi không thể đại diện cho tất cả các trường hợp anh chị em banker làm nghề tay trái bên ngoài ngân hàng. Với sự hạn chế trong ngôn từ cũng như cách diễn đạt tôi sẽ không lột tả hết được tất cả những ý mình muốn gửi gắm. Và không tránh khỏi sẽ có nhiều quan điểm trái chiều tùy theo góc nhìn và trải nghiệm thực tế của từng người. Tuy nhiên tôi có một lời khuyên nếu banker muốn làm nghề tay trái và mong muốn nghề này tạo nên một nguồn thu thập thay thế nghề chính thì nên nghỉ hẳn ngân hàng ra ngoài làm luôn. Còn nếu duy trì thì cứ xem như nó là một sở thích ngoài giờ làm việc để giảm stress nhưng giới hạn ở mức độ vừa phải. Bởi vì một nghề cho chín còn hơn chín nghề như ông bà ta đã có dạy.
Mời bạn chia sẻ vềNGHỀ TAY TRÁI, những VIỆC LÀM THÊM NGOÀI GIỜ của Banker
Quý độc giả đang và sẽ làm trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có những câu chuyện về "nghề tay trái", những việc làm thêm ngoài giờ hành chính, vui lòng đóng góp bài viết cho chúng tôi về địa chỉ email: info@cafef.vn
Độc giả có thể gửi dưới dạng bài viết hoặc tóm tắt ý tưởng, câu chuyện của mình, chúng tôi sẽ hỗ trợ biên tập thành bài báo hoàn chỉnh. Và nếu có hình ảnh của cá nhân hay nhân vật mình viết trong câu chuyện, hãy vui lòng gửi kèm bài viết cho chúng tôi.
Ban biên tập cũng sẽ phản hồi ngay các thông tin quý độc giả gửi và chi trả nhuận bút hấp dẫn cho các bài viết được đăng.