Thông tin về thị trường, cơ chế chính sách khu vực Châu Á-Châu Phi quý I-2019 từ Bộ công thương cho thấy quý I kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 58,86 tỉ USD, tăng 5,93% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị thu hẹp vì truy xuất nguồn gốc
Đáng chú ý, đối với khu vực Đông Bắc Á- Nam Thái Bình Dương, trong quý I-2019, xuất khẩu của Việt Nam từ các đối tác thị trường tiếng Trung gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan chỉ đạt 10 tỉ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2018. Các mặt hàng giảm mạnh gồm điện thoại các loại và linh kiện; sắn và sản phẩm từ sắn…
Xuất khẩu nông lâm thủy sản dù có những tín hiệu tích cực, nhưng doanh nghiệp (DN) Việt sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là giá nhiều mặt hàng thủy sản giảm do cung vượt cầu; cạnh tranh gay gắt từ các nước; thị trường tiếng Trung ngày càng chú ý đến an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm.
Thanh long bị phát hiện chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao khiến Nhật Bản tăng cường kiểm soát nhập khẩu.
Nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường tiếng Trung mà chủ yếu sang Trung Quốc sẽ bị thu hẹp vì những quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc.
Đối với thị trường Nhật Bản, số lượng xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 28,2 triệu USD giảm 0,5% so với cùng kỳ. Đáng báo động hơn, do gần đây số vụ vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản được phát hiện tại Nhật Bản tăng nhiều hơn so với các năm trước.
Đặc biệt, là vụ việc quả thanh long của Việt Nam bị phát hiện chứa dư lượng chất bảo vệ thực vật (BVTV) ở mức cao, dẫn đến quả thanh long tươi bị áp lệnh kiểm tra tăng cường 30% tổng số lô nhập vào Nhật Bản. Hiện nay 70% thanh long được bán ở Nhật Bản có xuất xứ từ Việt Nam.
Chính sách của các nước sở tại ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao?
Theo Bộ công thương, hiện các cơ quan quản lý Trung Quốc ngày càng thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu đăng ký DN xuất khẩu, cơ sở đóng gói và các yêu cầu về bao bì tem nhãn…
Việc quản lý hàng hóa nhập khẩu thông qua hình thức thương mại biên giới cũng được tăng cường theo hướng chỉ cho phép các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa trao đổi cư dân biên giới được giao dịch. Hàng hóa của nước thứ ba phải thực hiện giao dịch theo hình thức thương mại quốc tế .
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc điều chỉnh một số chính sách vĩ mô trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung- Mỹ cũng tác động đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tôm là mặt hàng Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất tại Nhật Bản.
Nhật Bản đã chính thức phê duyệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ ngày 30-12-2018… Theo đó, hàng ngàn dòng thuế sẽ được cắt giảm.
Nhật áp lệnh kiểm tra 100% đối với hai chất Cypermethrin, Clorpyrifos và tăng cường kiểm tra 30% đối với chất Profenofos trên rau ngò từ Việt Nam. Tương tự Nhật cũng áp lệnh kiểm tra 100% đối với tôm và sản phẩm chế biến từ tôm. Tôm là mặt hàng Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất tại Nhật Bản.
Hàn Quốc chính thức áp dụng Cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật (PLS) cho tất cả nông sản nhập khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như cà phê, hạt điều, các loại trái cây nhiệt đới… sang thị trường này.