Với thiết kế lấy cảm hứng từ chim hải âu, Trung Quốc hợp tác với Nhật Bản phát triển loại tàu Aero mới có thể chạy với tốc độ tối đa 500 km/h, vượt tốc độ 430km/h của tàu Shanghai Maglev - hiện là tàu thương mại nhanh nhất thế giới, theo tờ South China Morning Post.
Việc thử nghiệm chạy và sản xuất các phiên bản thế hệ thứ nhất và thứ hai của tàu Aero Train đã được thực hiện tại Nhật Bản, tờ Chongqing Morning Post dẫn thông tin từ Lai Chenguang, giáo sư tại Đại học Công nghệ Trùng Khánh và cũng tham gia dự án này, cho biết. Dự kiến, tàu Aero sẽ ra mắt tại Nhật vào năm 2025.
Với tàu Aero, quãng thời gian đi chuyển từ Tokyo đến Osaka sẽ giảm từ 2,5 giờ (bằng tàu cao tốc nhanh nhất Nhật Bản) xuống chỉ còn 1 giờ.
Theo tờ Industry Leaders, nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản từ Đại học Tohoku, Tokyo, đã công bố dự án Aero Train lần đầu tiên vào năm 2011 tại Hội nghị quốc tế IEEE về Robot và Tự động hóa ở Thượng Hải.
Giống như Maglev, dòng Aero Train không chạy trên đường ray mà sử dụng khí động lực, cánh nhỏ hình chữ U và khí nén di chuyển tốc độ nhanh để "bay" ngay trên mặt đất.
Hệ thống đệm từ trường của tàu Maglev cũng tương tự như vậy, nhưng lực cản giữa đáy tàu và đường ray khiến hệ thống giảm hiệu quả và tốn kém.
Theo kế hoạch bắt đầu vào năm 2016, Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển của các loại tàu thế hệ tiếp theo có thể chở hành khách ở tốc độ tối đa 500km/h và chở hàng hóa ở tốc độ 250km/h, phù hợp với các khổ đường sắt khác nhau được sử dụng trên toàn thế giới.
Trung Quốc đang sử dụng hệ thống đường sắt cao tốc làm mũi nhọn tiếp theo để đạt được lợi thế công nghệ tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Quá trình xây dựng đường sắt cao tốc nước ngoài là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, giúp tăng cường liên kết thương mại và cơ sở hạ tầng với các quốc gia từ châu Á đến châu Phi.
Trung Quốc cũng đang thực hiện chương trình trị giá 3,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ ( tương đương với 554 tỷ USD) để mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới này.
Hiện tại, nước này muốn tăng từ 22.000 km đường ray lên 30.000 km vào năm 2020, kết nối hơn 80% các đô thị tại nhiều quốc gia.
Ông Lai cho biết thiết kế lấy cảm hứng từ máy bay của Aero Train mang lại tính ổn định giúp đẩy nhanh việc triển khai thương mại.
"Tấm chắn dạng vòng có thể giúp tàu ổn định khi chạy", ông nói. "Thiết kế cũng cải thiện tốc độ và khả năng chịu tải, đồng thời làm giảm chi phí hoạt động".
"Việc tạo ra tàu chạy bằng năng lượng tự nhiên và không ô nhiễm trước đây dường như là điều không thể, nhưng giờ đây nó đang được thực hiện" ông Lai nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn gặp phải một số rào cản trong việc bán công nghệ đường sắt cao tốc ra thế giới như quy định ở nước bản địa, bất ổn chính trị và kinh tế cũng như chi phí đắt đỏ của các dự án liên vận tiên tiến.
Nước này đã trông cậy vào khả năng xây dựng đường sắt cao tốc với ít đối thủ cạnh tranh tại Nhật Bản và Đức. Ngân hàng Thế giới ước tính giá thành các tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc khoảng 17- 21 triệu USD/km, so với 25- 39 triệu USD/km ở châu Âu.
Nhưng khó khăn về mặt địa lý trong việc xây dựng cầu và đường hầm - điều cần thiết để giảm bớt quãng đường và dễ dàng di chuyển hơn cho tàu cao tốc, sẽ khiến chi phí xây dựng đường sắt "đội lên".