Hô biến rượu giả thành rượu “xịn”
Thông tin từ ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) cho biết, lực lượng chức năng thuộc đơn vị này vừa triệt phá thành công dây chuyền sản xuất rượu giả quy mô lớn tại TP.HCM.
Nhiều vụ sản xuất rượu giả bị bắt khiến dư luận xôn xao.
Trước đó, ngày 26/10, đội Quản lý thị trường 4A thuộc chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP.HCM) tiến hành kiểm tra chi nhánh công ty TNHH sản xuất thương mại SPT ở số F3/15/8 Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B) do ông Lê Đức Giảng là người quản lý. Tại thời điểm kiểm tra, do ông Giảng đi vắng nên cử ông Đinh Văn Bảo, nhân viên chi nhánh làm việc với đoàn kiểm tra.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số lượng hàng hóa lớn là rượu sử dụng tem rượu trong nước có dấu hiệu giả mạo, gồm: 48 chai rượu Whisky XO, 300 chai rượu Whisky Golden Label, 696 chai rượu Whisky, 1.584 chai rượu Rhum dứa cocktail, 612 chai rượu Rhum cocoa, 1.188 chai rượu Rhum xoài. Ước tính tổng trị giá số hàng hóa trên vào khoảng 67,496 triệu đồng.
Sau đó, đội Quản lý thị trường 4A đã tiến hành tạm giữ mỗi loại rượu trên là 3 thùng làm mẫu để làm rõ xử lý theo quy định. Số rượu còn lại, cơ quan chức năng yêu cầu công ty SPT không được xuất bán, di dời trước khi có kết quả xử lý. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn tạm giữ 280 tem rượu trong nước, ký hiệu TR01T TEM RƯỢU (SXTN >= 200 ) AA15P không có số seri.
Trước đó, đoàn công tác cũng đã tiến hành kiểm tra một chi nhánh khác của công ty SPT ở số 33 Đô Đốc Thủ, phường Tân Quý, (quận Tân Phú, TP.HCM). Tại đây, đoàn phát hiện mặt hàng rượu có xuất xứ Việt Nam, do công ty TNHH HAVA sản xuất không có dán tem rượu theo quy định gồm: 1.728 chai rượu bông lúa vàng nếp mới, 1.536 chai rượu chuối hột, 840 chai rượu Rhum Maxime. Ngoài ra, nhà chức trách còn phát hiện có 1.596 chai rượu champagne Spakking Wine do công ty TNHH SX TM SPT sản xuất sử dụng tem giả.
Ngay sau đó, đoàn tiếp tục kiểm tra chi nhánh công ty HAVA tại địa chỉ 552/18 Quốc lộ 1A (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM), do ông Hà Tuấn Văn quản lý. Tại đây, đoàn phát hiện có 80.750 chai rượu công nghiệp các loại do HAVA sản xuất. Đồng thời phát hiện có 3.404 tem rượu sản xuất trong nước ≥ 20 độ. Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty HAVA không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm của công ty.
Theo đó, đội Quản lý thị trường 4A ra quyết định tạm giữ 31.980 chai rượu sử dụng tem rượu giả và có dấu hiệu giả (có dán tem rượu các loại 300ml, 500ml, 700ml, 750ml, 29% vol, 39% vol). Đồng thời tạm giữ 3.404 tem rượu sản xuất trong nước ≥ 20 độ của công ty HAVA. Còn lại 48.770 chai rượu không dán tem rượu do công ty HAVA sản xuất đội Quản lý thị trường 4A giao cho công ty có trách nhiệm bảo quản không được di dời xuất bán chờ làm rõ theo quy định của pháp luật.
Được biết, số sản phẩm của các cơ sở nêu trên là một trong những nguồn cung ứng rượu cho khu vực TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.
Công nghệ chế biến “bỏ 1 ăn 10”
Trong nhiều năm qua, giới kinh doanh rượu thường kháo nhau về cách làm ăn “bỏ 1 ăn 10”. Ông H. là người có thâm niên làm thuê cho một ông chủ chuyên kinh doanh rượu giả nhiều năm, nay đã giải nghệ giải bày: “Có rất nhiều cách làm rượu giả, chỉ cần xác định được đối tượng người tiêu dùng sản phẩm đó là có thể sản xuất được rượu giả”.
Rượu giả được sản xuất hết sức tinh vi, nhiều mẫu như thật.
Giới làm rượu giả thường nhắm tới 2 đối tượng khách hàng chính. Thứ nhất, khách hàng bình dân là những người làm nông chân chất, có thu nhập thấp. Đối tượng thứ hai là khách hàng có mức thu nhập trung bình, khá, có tiền, nhưng chưa hẳn sành sỏi kiến thức về rượu.
Để phục vụ những khách hàng ở nhóm đối tượng thứ nhất, dân rượu “lậu” chỉ cần pha chế thủ công methanol (cồn công nghiệp) với nước lã. Sau đó, mang đi “bán dạo”. Việc làm rượu giả phục vụ cho nhóm đối tượng thứ nhất được cho là vô cùng đơn giản và hiệu quả kinh tế đem lại thì không cao. Do đó, những đối tượng làm rượu giả lâu năm, lành nghề tìm cách tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng thứ hai biến rượu giả thành rượu "xịn" để tiệu thụ.
Cũng theo lời ông H., để làm rượu giả biến thành rượu “xịn” thì khâu thu gom vỏ chai rượu “xịn” là khó khăn nhất. Để có được chai rượu “xịn”, dân rượu “lậu” thường thu mua từ những vựa ve chai. Việc đặt làm giả nhãn mác, tem nhập khẩu, nút, màng co chống giả... hết sức đơn giản. Dân rượu “lậu” chỉ cần đặt mẫu mã, số lượng và chuyển tiền là có đầy đủ những “phụ kiện” trên từ bạn hàng phía bên kia biên giới. Sau khi đã có đủ các điều kiện cần, dân rượu “lậu” chỉ cần mua những loại rượu rẻ tiền, pha chế thêm màu là xong công đoạn sản xuất.
Chi phí để làm ra những chai rượu giả chỉ vào khoảng 50.000 đồng nhưng khi được đưa ra thị trường, nó được bán với giá trên 1 triệu đồng. Các tỉnh và vùng ven đô của các thành phố lớn là điểm lý tưởng mà dân rượu “lậu” thường nhắm tới tiêu thụ. Bởi ở khu vực này, kiến thức phân biệt rượu thật - rượu giả của người mua vẫn chưa cao.
Các chuyên gia y tế cho biết, theo số liệu thông kê, trong số các ca ngộ độc rượu được đưa đi cấp cứu phần nhiều là những bệnh nhân bị ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp (methanol). Những bệnh nhân bị ngộ độc, thường bị hôn mê sâu, tụt huyết áp, mù mắt, trụy mạch,.. nhiều trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn đến chết người.
Để tránh trở thành nạn nhân của nạn buôn rượu “lậu”, người tiêu dùng được khuyến cáo, bên cạnh việc chủ động tham khảo tìm hiểu về sản phẩm cần quan tâm, thì việc chọn những cửa hàng phân phối chính hãng hay siêu thị uy tín cũng là một cách tránh mua phải rượu giả.
Khó quản lý Trao đổi với PV, một cán bộ chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Những đối tượng sản xuất rượu giả thường hoạt động rất kín kẽ rất khó theo dõi, xử lý. Trong khi đó, một số công ty sản xuất hay phân phối lại có nhiều sản phẩm rượu khác nhau, rất dễ bị làm giả, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng". |