Đại dịch đã và đang tạo ra xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng trên toàn thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á nói riêng – mua sắm online. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT hiện cũng lên đến gần 5%/năm. Như vậy, cơ hội của những ngành hỗ trợ cho việc phát triển của ngành TMĐT là vô cùng lớn, kéo theo hoạt động giao hàng tức thời hoặc trong ngày trở thành xương sống ở toàn bộ chuỗi cung ứng này.
Mảng giao thực phẩm trực tiếp từ nhà hàng hiện đạt 292 triệu USD, dự tăng đến 480 triệu USD trong năm 2025
Theo một thống kê cho thấy, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam 2021 là 7,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 5% và dự kiến năm 2025 sẽ lên đến trên 8,8 tỷ USD. Điều này tác động rất lớn đến quy mô của ngành giao hàng dặm cuối (last-mile delivery). Trong đó, nhóm hoạt động giao hàng tức thời hoặc trong ngày có tổng giá trị 1,49 tỷ USD trong năm 2021, với CAGR xấp xỉ 5,67%.
Riêng mảng giao thực phẩm trực tiếp từ nhà hàng (không thông qua platform), giá trị đang vào khoảng 292 triệu USD và dự tăng đến 480 triệu USD trong năm 2025, tương đương phục vụ 18,2 triệu người dùng.
Những luận điểm trên là giải thích cho sự tăng nóng của mảng giao hàng hiện nay, không chỉ các ông lớn ngoại nội mà những tân binh mới vẫn ồ ạt gia nhập, khai thác mọi ngóc ngách thị trường.
Cuối tháng 8 vừa qua, Dostavista thông báo chính thức đổi tên thành Borzo, hợp nhất các thị trường tại 10 quốc gia khác nhau dưới một thương hiệu duy nhất, bao gồm Việt Nam. Ngoài ra, nằm trong chiến lược phát triển, Công ty cũng huy động được 35 triệu USD trong vòng Series C. Các nhà đầu tư bao gồm Mubadala, VNV Global, RDIF, Flashpoint Venture Capital…
"Sau nhiều năm giữ các thương hiệu khác nhau ở 10 nước, chúng tôi quyết định thực hiện việc thống nhất thương hiệu ở phạm vi toàn cầu. Việc này được thực hiện rất cẩn thận cùng với một đơn vị tư vấn lớn của châu Âu.
Thời điểm tháng 8 là thời điểm khá nóng khi tình hình dịch căng thẳng ở tất cả các nước chúng tôi có mặt. Nhưng vì đã lên kế hoạch cẩn thận từ trước, chúng tôi vẫn rất tự tin thực hiện, tận dụng lợi thế từ sự quan tâm của người tiêu dùng đến nhu cầu vận chuyển trong giai đoạn nhiều thành phố lớn nơi chúng tôi có mặt đều phong tỏa.
Chúng tôi cũng vừa đo lường các chỉ số về thương hiệu cũng như phản hồi của khách hàng, rất may mắn là kết quả tích cực ngoài mong đợi", đại diện Borzo cho hay.
Cơ hội đang rất lớn
Gia nhập vào thị trường cạnh tranh khốc liệt ở quốc gia khác và Việt Nam, Borzo luôn nhìn nhận cơ hội đang rất lớn. Đặc biệt, khi nhu cầu của người dùng ngày một cao hơn, việc giao hàng không chỉ dừng lại ở tỷ lệ hoàn hàng, thời gian hoàn thành… mà còn là một trong những hoạt động mang tính quyết định đến trải nghiệm người dùng để từ đó, nhà bán hàng có thể giữ chân và gia tăng tần suất mua hàng.
"Chúng ta có thể nhìn thị trường giao hàng ở hai góc độ: một là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và hai là những yêu cầu ngày một cao hơn của khách hàng (người bán), tài xế, người dùng cuối", đại diện hãng đặt vấn đề.
Xét về cuộc chiến giữa các bên, Borzo có công nghệ, vốn, chiến lược và cách thức vận hành. Thông thường, các yếu tố này phải được dung hòa với nhau, và Borzo cho rằng mình có sự cộng hưởng của tất cả các thế mạnh này. Là một công ty quốc tế được đầu tư bởi những quỹ đầu tư hàng đầu, Borzo có được đầy đủ công nghệ và chiến lược từ công ty mẹ; kế đến là sự thấu hiểu thị trường, văn hóa địa phương của đội ngũ điều hành tại nước sở tại.
Còn xét ở góc độ kỳ vọng của khách hàng, chúng ta càng lúc càng thấy rõ hơn những yêu cầu mới, khó hơn, nhanh hơn, mà chi phí lại phải rẻ hơn. Đã một thời gian dài, mọi người rất phấn khích với sự phát triển của E-commerce bởi sự đơn giản, tiện lợi của nó.
Nhưng giờ đây, người dùng không còn hài lòng với mô hình giao hàng trong ngày hay trong 4 giờ, thậm chí 2 giờ như trước kia nữa. "Tôi muốn giao ngay - trong 30 phút, tối đa là 1 tiếng" - đó là những yêu cầu quen thuộc với bất cứ người bán hàng nào. Nếu không đáp ứng được, họ sẽ mất khách hàng vào tay đối thủ.
Hãy nghĩ đến thực phẩm, đồ ăn vặt, tạp hóa, rau củ quả… cả trong và sau dịch Covid-19. Chúng ta đang ở giai đoạn bùng nổ của Quick commerce. Và bài toán hấp dẫn này chỉ có thể giải quyết bằng công nghệ, bằng giải pháp. Ở những thị trường khốc liệt, Borzo cùng những đơn vị tiên phong khác đã trả những cái giá đắt để có thể thành công.
"Chúng tôi hy vọng có thể áp dụng những thành công từ nhiều thị trường trưởng thành khác để phục vụ người dùng tại Việt Nam, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của Quick commerce trong giai đoạn quyết định này", vị này nhấn mạnh.
Doanh số năm 2021 của Borzo Việt Nam tăng 10 lần, tiết lộ được cam kết đầu tư với ngân sách tăng gấp 5 lần trong năm 2022
Thực tế, miếng bánh ngon nào cũng đi kèm với mức độ cạnh tranh khốc liệt, và bức tranh đến đi hàng loạt của nhiều thương hiệu là minh chứng một phần cho điều này. Không phủ nhận tên tuổi Borzo còn khá mới mẻ tại Việt Nam, người đứng đầu vẫn lạc quan cho rằng bối cảnh hiện tại là khá thuận lợi cho những tay chơi mới.
Vì sao? Thứ nhất, nhờ những đơn vị đi trước, khách hàng giờ đây đã làm quen với mô hình giao hàng công nghệ, thay vì chỉ quen thuê tài xế cơ hữu. Chưa kể, với thế mạnh công nghệ thừa hưởng từ công ty mẹ và những chiến lược phù hợp áp dụng ở từng nước bản địa, Borzo cho biết đã có định hướng ngắn hạn lẫn dài hạn tại Việt Nam.
Tính đến hiện tại, khách hàng của Borzo là đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ (chủ yếu kinh doanh tạp hóa, thực phẩm tươi sống, hoa củ quả…) dưới 10 đơn/ngày và chiếm tỷ trọng hơn 35% thị trường. Borzo cũng đang đang đẩy mạnh vào nhóm khách hàng lớn vì phương án phục vụ và chăm sóc khách hàng đang rất phù hợp với kỳ vọng của họ.
Về khu vực, Tp.HCM là nơi Borzo phục vụ trong những ngày đầu gia nhập thị trường. Đến tháng 4/2021, hãng bắt đầu mới thử nghiệm ở các thị trường Hà Nội và Đà Nẵng. "Kết quả ở Hà Nội rất khả quan vì khách hàng ở đây đã bắt đầu quen với việc chuyển từ tài xế nội bộ truyền thống sang tài xế công nghệ", đại diện nói thêm.
Được biết, tỷ trọng đơn hàng ở 2 thành phố lớn đang rơi vào khoảng 80% - 20%, Công ty đang đẩy mạnh hoạt động ở Hà Nội để đến cuối năm 2022, thị trường này sẽ đóng góp 40% doanh thu.
Hiện,Borzo Việt Nam là đơn vị trẻ nhất trong toàn bộ 10 nước của Dostavista và đang được quan tâm đặc biệt của công ty mẹ. Ước tính sơ bộ, doanh số Borzo Việt Nam năm 2021 đã tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với lượng đơn hàng tăng 7 lần.
Từ kết quả này, cùng hàng loạt những chỉ số tích cực khác, Borzo Việt Nam còn tiết lộ đã nhận được cam kết đầu tư với ngân sách gấp hơn 5 lần cho năm 2022.
Chiến lược hoạt động của Borzo từ trước đến nay là không đốt tiền
Tầm nhìn xa hơn, sứ mệnh của Borzo trong 10 năm tới xác định rất rõ ràng là đồng hành cùng những nhà bán hàng online, mang lại dịch vụ giao hàng tốt với chi phí được tối ưu cũng như cung cấp cơ hội việc làm cho hàng triệu tài xế cộng đồng.
"Chiến lược hoạt động của Borzo từ trước đến nay là không đốt tiền. Chúng tôi đặt niềm tin vào chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ. Và chỉ dành phần lớn chi phí vào những hoạt động này thay vì chạy đua khuyến mãi. Và như vậy, chúng tôi không hề có áp lực về việc đốt tiền của thị trường này", phía Borzo nhấn mạnh.
Như đã đề cập, Borzo Việt Nam còn non trẻ nên rất được quan tâm bởi công ty mẹ. Trên phạm vi toàn cầu, công ty mẹ Borzo hiện nằm trong Top 3 tại những nước như Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Brasil.
Năm 2020, tổng lượng đơn hàng mỗi tháng trên toàn cầu đạt trên 3 triệu và đang tăng mạnh trong 2021 khi bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp. Và điểm nhấn khá bất ngờ đối với một số chuyên gia trong ngành, khi mọi người vẫn hoài nghi về cuộc chiến đốt tiền, là thị trường Nga đã có lãi ổn định và tăng đều từ 2018.
Với những lợi thế hiện tại, công ty mẹ đang hỗ trợ vốn, chiến lược, những bài học thành công cũng như các mối quan hệ đối tác từ các nước trong khu vực cho Borzo Việt Nam.