Năm 2023, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng quản trị, định hướng của NHCSXH, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng ưu đãi được cấp trên giao, góp phần vào thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và hạn chế hoạt động tín dụng đen trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể, kết quả hoạt động về nguồn vốn, tổng nguồn vốn năm 2023: 3.298 tỷ đồng, tăng 493 tỷ đồng so với 31/12/2022, tốc độ tăng trưởng 17,58%. Trong đó:Nguồn vốn cân đối từ Trung ương 2.927 tỷ đồng, tăng 450 tỷ đồng so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 88,75% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động tại địa phương 309,6 tỷ đồng, tăng 30,5 tỷ đồng so với 31/12/2022, hoàn thành 101,7% chỉ tiêu kế hoạch được giao; chiếm tỷ trọng 9,39% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn ủy thác đầu tư địa phương: 61,4 tỷ đồng, tăng 12,4 tỷ đồng so với 31/12/2022 (10 tỷ đồng UBND các cấp chuyển trong năm 2023; 2,4 tỷ đồng trích từ lãi thu được trong năm); chiếm tỷ trọng 1,86% tổng nguồn vốn.
Kết quả thực hiện tăng trưởng dư nợ tín dụng , tỉnh Bắc Kạn được Tổng Giám đốc giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ 504,9 tỷ đồng để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong đó: 194,9 tỷ đồng thực hiện tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng năm 2023 và 310 tỷ đồng tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP;UBND tỉnh và các huyện, thành phố chuyển vốn ủy thác từ ngân sách (cả phần bổ sung từ nguồn thu lãi) là 11,26 tỷ đồng.
Căn cứ Quyết định của Tổng Giám đốc và của UBND tỉnh, Chi nhánh đã kịp thời tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh ban hành Quyết định phân giao, điều chỉnh chỉ tiêu cho các đơn vị, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp chỉ đạo triển khai huy động nguồn vốn, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Doanh số cho vay năm 2023 đạt 1.141,7 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2022 là 35,7 tỷ đồng; cho 18.621 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ: 647 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2022 là 35 tỷ đồng; doanh số xóa nợ: 215 triệu đồng.
Cùng với đó, tổng dư nợ năm 2023 đạt 3.292,2 tỷ đồng, tăng 494,6 tỷ đồng so với với năm 2022, tốc độ tăng trưởng 17,68%, hoàn thành 99,88% chỉ tiêu các chương trình tín dụng được Tổng Giám và UBND tỉnh giao (515,6 tỷ đồng/516,2 tỷ đồng). Với 45.406 hộ nghèo,hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang dư nợ , dư nợ bình quân 72,5 triệu đồng/hộ.
Kết quả triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, dư nợ : 550,8 tỷ đồng, với 7.667 khách hàng đang dư nợ . Trong đó: Dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 380 tỷ đồng, với 5.049 lao động đang dư nợ ; dư nợ cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học trực tuyến 11,25 tỷ đồng, với 873 hộ vay vốn cho 1.125 học sinh viên sinh viên; dư nợ cho vay Nhà ở xã hội 89,01 tỷ đồng, với 232 hộ đang dư nợ ; dư nợ cho vay cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non ngoài công lập 0,93 tỷ đồng, với 20 cơ sở đang dư nợ ; dư nợ cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi 69,61 tỷ đồng, với 1.493 hộ đang dư nợ .
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn thực hiện giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 1.571,1 tỷ đồng, cho 28.958 khách hàng; thực hiện quyết toán hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 28,6 tỷ đồng. Trong đó số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là 8,1 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2023 là 20,5 tỷ đồng.
Về hiệu quả nguồn vốn, trong năm 2023, số tiền cho vay 1.141,7 tỷ đồng, với 18.621 hộ vay vốn. Trong đó, tập trung giải ngân một số chương trình cho vay: Cho vay hộ nghèo 228 tỷ đồng/3.864 hộ; cho vay hộ cận nghèo 70 tỷ đồng/1.084 hộ; Cho vay hộ mới thoát nghèo 47 tỷ đồng/614 hộ; cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 188 tỷ đồng/3.343 hộ; cho vay Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 58,5 tỷ đồng/2.997 hộ; cho vay giải quyết việc làm 404 tỷ đồng/4.962 lao động.
Giúp 128 học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng và cải tạo 5.853 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; tạo việc làm cho 4.962 lao động từ nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm; 620 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng mới nhà để ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP được 761 ngôi nhà; hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để sửa chữa, xây mới nhà để ở 128 ngôi nhà ...
Ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã trở thành điểm tựa vững chắc của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo tiền đề cũng như động lực giúp các hộ dân trên địa bàn tỉnh vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng vào thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển và hạn chế hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.
"Qua công tác kiểm tra, giám sát của các thành viên Ban đại diện cho thấy chính quyền địa phương, Ban giảm nghèo cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) đã chú trọng, quan tâm đến hoạt động của NHCSXH, nắm bắt và triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác. Các Tổ TK&VV thực hiện việc bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả của vốn vay", ông Côn cho biết thêm.