Trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đúc rút lại những thành công của nhiệm kỳ và tràn đầy niềm tin vào tương lai của đất nước.
Đầu nhiệm kỳ, trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên một nỗi niềm: "Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48".
Và thật tự hào, đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới. Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Việt Nam tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN.
Nhiệm kỳ này cũng đã thu hút 175 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài FDI, vốn thực hiện đạt hơn 60%, đang cơ cấu lại việc lựa chọn, nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư FDI.
Dấu ấn nhiệm kỳ được Thủ tướng đúc rút bằng 3 đột phá chiến lược: (1) Đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, (2) Đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, (3) Đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư.
Cùng với đó, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Có thể thấy điều đó qua các chính sách siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm; cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển.
Kết quả đạt được là bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn.
"Có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Mới đây ngày 18/3/2021, tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức "tích cực", cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch COVID-19.
"Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng Chính phủ hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ năm trong ASEAN; về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, giai đoạn 2018-2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia.
Quan hệ đối ngoại cũng là điểm nhấn, cả về kinh tế và ngoại giao. Đầu năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đầu năm 2019, Việt Nam chính thức trở quốc gia thứ 7 thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết tháng 3/2018 tại Chile.
Nửa năm sau đó, tháng 6/2019, Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) tại Hà Nội sau 9 năm đàm phán. Nhiều hiệp định song phương, đa phương khác cũng được bàn thảo và ký kết.
Theo đánh giá của Thủ tướng, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt. Cạnh tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với chuyển động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến kinh tế và nhịp sống của các quốc gia.
Ở trong nước, kế thừa thành tựu 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta ngày càng lớn mạnh. Từ quyết định của Đổi mới năm 1986 đến sự nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ của những thập niên sau đó đã đưa nước ta thoát nghèo; từ kém phát triển, trở thành nước đang phát triển và hiện nay Việt Nam có tên trong Nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Những quyết sách của Chính phủ hôm nay sẽ nối tiếp tạo nền tảng để tiến lên thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21.
Tổng kết, chúng ta đã được tín nhiệm quốc tế rất cao, 192/193 quốc gia thành viên bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, đó thực sự là niềm tự hào của hai tiếng "Việt Nam". Đây còn được coi là nhiệm kỳ "vượt bão" đưa con tàu Việt Nam đi xa hơn trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ.