Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình mới đây liên quan đến tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một dự án lớn, có công suất 1.200 MW. Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia ( PVN ) làm chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ.
"Không có lý do gì chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi Dự án có điều kiện để hoàn thành", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Để khắc phục, Bộ trưởng cho rằng cần sự phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.
Trong phát biểu mới đây của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ nỗ lực thúc đẩy tiến độ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để hoàn thành Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình. Nhiệt điện Thái Bình 2 có tồn tại kéo dài, mới hoàn thành 83% khối lượng công việc, dự kiến khánh thành vào năm 2020.
Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư 41.000 tỷ đồng (tương đương 1,827 tỷ USD) sau nhiều lần điều chỉnh. Dự có quy mô công suất 2x600MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình, được xây dựng tại Mỹ Lộc, Thái Thuỵ, Thái Bình, phê duyệt tại Quyết định 5844 ngày 2/7/2010 do Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC ) làm tổng thầu EPC.
Liên quan đến dự án này, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết hiện tại, dự án đã giải ngân được trên 31.200 tỷ đồng đạt khoản 82%. Tuy nhiên, đến năm 2020 dự án này mới có khả năng hoàn thành (kế hoạch vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017, tổ máy 2 vào năm 2018). Như vậy, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm tiến độ 55-57 tháng.
Báo cáo của PVN cho biết, đến giữa tháng 10/2018 tiến độ tổng thể của dự án đạt 82,78%. Một số tồn tại vướng mắc chính của dự án được chỉ ra như PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than, năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng cho các hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ.
Việc PVC sử dụng tiền tạm ứng của dự án 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án. Theo báo cáo của PVN, dự kiến đến khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng 55,18 triệu USD và 1.095 tỷ đồng so với giá trị Hợp đồng EPC được ký điều chỉnh sau khi tổng mức đầu tư được điều chỉnh lần 2 được duyệt.
PVN còn khó khăn trong thu xếp vốn còn thiếu, đến nay nhiều thiết bị chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo. Việc dự án tiếp tục chậm tiến độ sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan đến chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo.
"Dự án có quy mô lớn, nếu không sớm thực hiện, hoàn thành sẽ dẫn đến phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt. Tổng thầu PVC thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính hạn chế, không có đủ vốn lưu động để đảm bảo dòng tiền thực hiện dự án…", Bộ Công Thương nhận định.