Theo đó, tỷ lệ trích lập dự phòng/ lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của 27 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là 40,2%, giảm nhẹ so với mức 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này tại từng ngân hàng có sự khác biệt rất lớn, có ngân hàng trích tới trên 60% lợi nhuận cho chi phí dự phòng, nhưng cũng có những ngân hàng chỉ phải trích dưới 10%.
Nhiều ngân hàng trích lập dự phòng trên 50% lợi nhuận thuần
Những ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng/ lợi nhuận ở mức cao có thể kể đến BIDV, VietinBank, VPBank, SCB, PGBank,…
Nguồn: BCTC Hợp nhất các ngân hàng, đơn vị: tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu năm, BIDV và VietinBank trích lập dự phòng lần lượt là 10.710 tỷ và 7.477 tỷ đồng, lần lượt chiếm 69% và 58% số lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Số trích lập dự phòng tại 2 nhà băng này cũng là mức cao nhất trong hệ thống, tới mức mà cộng 24 ngân hàng còn lại cũng không bằng.
BIDV và VietinBank cũng đang là 2 ngân hàng có nợ xấu (chưa kể nợ xấu ở VAMC) lớn nhất trong hệ thống, lần lượt là hơn 21.000 tỷ và 13.000 tỷ đồng. Cộng thêm việc BIDV muốn nhanh chóng xóa sạch nợ tại VAMC, áp lực trích lập dự phòng trong thời gian ngắn sẽ khó có thể giảm. Tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết ngân hàng sẽ trích khoảng 20.200 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro trong năm nay.
Tại VPBank, SCB và PGBank, tỷ lệ chi phí dự phòng/ lợi nhuận thuần lần lượt là gần 60%, 62%, 65%. Trong những năm trước, 3 nhà băng này cũng thuộc nhóm có tỷ lệ trích lập dự phòng/ lợi nhuận ở mức cao so với mặt bằng chung toàn hệ thống.
Chi phí dự phòng thay đổi mạnh, kết quả lợi nhuận đảo chiều từ giảm sang tăng
Tổng chi phí dự phòng rủi ro của 27 ngân hàng chỉ tăng 7%, trong đó, 14/27 ngân hàng tăng trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm. Chi phí dự phòng tại nhiều ngân hàng có sự thay đổi mạnh, tăng giảm lên tới trên 50% như Sacombank và NamABank tăng gấp đôi cùng kỳ, SCB giảm 84%, Techcombank giảm 77%, Vietbank giảm 84%,…
Và tại nhiều ngân hàng, chi phí dự phòng rủi ro biến động mạnh đã tác động đáng kể tới kết quả lợi nhuận trước thuế.
Một số ngân hàng đang từ mức tăng trưởng âm về lợi nhuận thuần (trước dự phòng), nhưng nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng mà lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương, thậm chí là tăng vọt.
Chẳng hạn, tại Techcombank, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt hơn 5.900 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh tới 77% xuống mức 239 tỷ, ngân hàng ghi nhận lợi nhuân trước thuế đạt hơn 5.600 tỷ, tăng 9% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước dự phòng của SCB trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 474 tỷ đồng, giảm tới 76% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí dự phòng còn giảm mạnh hơn (giảm 84%) xuống còn 294 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trướ thuế của nhà băng này trong nửa đầu năm 2019 đạt 180 tỷ, vẫn tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trích lập dự phòng/ lợi nhuận của SCB trong 6 tháng đầu năm 2019 là 62%, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên tới 94%.
Hay MSB giảm mạnh 51% chi phí dự phòng so với cùng kỳ xuống mức 259 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước dự phòng) chỉ tăng 14% nhưng lợi nhuận trướ thuế thì tăng tới 192%.
Ở chiều ngược lại, gánh nặng trích lập dự phòng tiếp tục tăng khiến lợi nhuận trước thuế kém khả quan hơn. Chẳng hạn, tại VPBank, nhờ quý 2 bứt tốc mạnh mà lợi nhuận thuần (trước trích lập dự phòng) trong 6 tháng đầu năm đạt 10.813 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Nhưng cùng với đó thì chi phí dự phòng còn tăng mạnh hơn (19%) lên hơn 6.400 tỷ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 4.300 tỷ, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận thuần của PGBank trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 269 tỷ, tăng 15% so với cùng kỳ. Nhưng với việc chi phí dự phòng tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế của nhà băng chỉ còn lại 94 tỷ, giảm 5% so với cùng kỳ.