Vào ngày 7/3, Bắc Kinh đã báo cáo về một trường hợp nghi nhiễm viêm phổi do virus corona mới (Covid-19) sau nhiều lần xét nghiệm axit nucleic cho kết quả âm tính.
Trước đó, bệnh nhân đã được xuất viện sau 14 ngày theo dõi ở địa điểm cách ly tập trung. Hiện nay, bệnh nhân một lần nữa được đưa vào bệnh viện chỉ định để điều trị.
Vào ngày 3/3, Thiên Tân cũng ghi nhận hai trường hợp tái nhập viện do có kết quả dương tính với Covid-19. Tại Thiên Tân hiện có 5 trường hợp như vậy. Trong khi đó, tỉnh Quảng Đông ngày 25/2 báo cáo, 14% bệnh nhân được xuất viện đã cho kết quả dương tính với Covid-19.
Vào ngày 4/3, ông Đồng Triều Huy, chuyên gia Tổ chỉ đạo trung ương tại Hồ Bắc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết, tỷ lệ dương tính sau khi xuất viện đạt khoảng 0,1% trong hơn 80.000 trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn Trung Quốc. Ông này khẳng định, tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Bệnh nhân dương tính sau khi xuất viện
Theo Tài Tân (Trung Quốc), người dân nước này đang lo lắng về việc các bệnh nhân có kết quả dương tính sau khi xuất viện có nghĩa bệnh tình tái phát hoặc trở nặng thêm hay không và bệnh nhân này có lây nhiễm hay không. Tuy nhiên, từ góc độ của các bác sĩ tuyến đầu, có nhiều yếu tố có thể xảy ra đối với hiện tượng này, đồng thời, điều đó không có nghĩa là bệnh nhân sẽ lây nhiễm cho người khác.
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của một bệnh viện hàng đầu ở Bắc Kinh (giấu tên) trả lời Tài Tân cho biết, thứ nhất, các thuốc thử phát hiện Covid-19 cũng có những hạn chế nhất định và việc âm tính chuyển sang dương tính cũng có thể là một sai sót trong kết quả xét nghiệm.
Thứ hai, chỉ lấy mẫu xét nghiệm ở hầu họng sẽ là một thiếu sót. "Hầu hết virus không nằm ở hầu họng, mà là ở phổi. Xét nghiệm hầu họng có thể âm tính nhưng hai ngày sau kết quả xét nghiệm từ đường hô hấp dưới - khi ho - lại cho kết quả dương tính. Điều này cũng có thể xảy ra".
"Nhưng điều này không có nghĩa là virus sẽ lúc âm tính lúc lại dương tính. Virus đã tồn tại ở đó, nhưng nó chưa được nhận biết. Sau đó lại xuất hiện dương tính, là do virus trong phổi chưa được loại bỏ hoàn toàn", vị bác sĩ nói.
Ngoài ra, theo Tài Tân, một số bệnh nhân ở Quảng Đông có kết quả tái dương tính với xét nghiệm axit nucleic qua mẫu bệnh phẩm từ đường hậu môn. Điều này đã được Trưởng nhóm chuyên gia cấp cao thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Chung Nam Sơn khẳng định trong cuộc họp báo ngày 27/2.
Với sự gia tăng của các trường hợp tái dương tính, khiếm khuyết trong xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm hầu họng đã được chú ý. Hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố cho rằng, kết quả xét nghiệm của các mẫu bệnh phẩm từ đường hô hấp dưới (chiết xuất đờm hoặc vòm họng) sẽ chính xác hơn.
Các tiêu chuẩn xuất viện cũng bao gồm 2 lần âm tính liên tiếp đối với các xét nghiệm axit nucleic từ các mẫu bệnh phẩm chiết xuất từ đờm và vòm họng. Thời gian lấy mẫu cách nhau ít nhất là 24 giờ.
Tái dương tính không đồng nghĩa sẽ lây nhiễm cho người khác
Dù vậy, các trường hợp tái dương tính có truyền nhiễm hay không vẫn chưa được xác định. Theo phân tích của bác sĩ bệnh viện hàng đầu Bắc Kinh, mẫu virus được phát hiện không nhất thiết là virus còn sống. "Tế bào chết, virus chết vẫn có thể được phát hiện qua xét nghiệm axit nucleic. Xét nghiệm axit nucleic chỉ chứng minh rằng, có thành phần virus ở đó nhưng không có nghĩa là nó là virus sống. Đây là hai khái niệm khác nhau".
Ông này nói rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang trong giai đoạn phòng ngừa và kiểm soát. Để ngăn ngừa truyền nhiễm, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tái dương tính vẫn nên được cách ly, nhưng điều đó không có nghĩa những bệnh nhân này có khả năng lây nhiễm.
Trung Quốc ghi nhận nhiều trường hợp xuất viện vẫn cho kết quả dương tính với Covid-19. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong cuộc họp báo ngày 28/2, đại diện của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, thông qua việc theo dõi liên tục các trường hợp này, cơ quan y tế không phát hiện hiện tượng bệnh nhân lây nhiễm cho người khác. Một số bệnh nhân khác có kết quả âm tính khi họ được xét nghiệm lại.
Về lo ngại bệnh nhân xuất viện sẽ bị tái nhiễm Giáo sư Chung Nam Sơn trả lời trong cuộc họp báo vào ngày 27/2 chỉ ra rằng, nhiễm virus có tính quy luật, chỉ cần cơ thể sản sinh đủ lượng kháng thể chống lại virus corona mới, bệnh nhân sẽ không bị tái nhiễm và khả năng tái phát của bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn là rất thấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, "cần phải theo dõi song song sự phát triển của dịch bệnh nên không thể đưa ra kết luận tuyệt đối".
Cần thay đổi tiêu chuẩn xuất viện
Tiêu chuẩn xuất viện đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 và quản lý sau xuất viện cũng đặc biệt được chú ý. Phó Chủ nhiệm Khoa Hô hấp và Hồi sức cấp cứu Trương Chiên, thuộc Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán kêu gọi, ngành y tế Trung Quốc cần thay đổi một trong các tiêu chuẩn cách ly và xuất viện trong Hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó, bệnh nhận cần có 3 lần âm tính liên tiếp đối với các mẫu xét nghiệm đường hô hấp.
Trong bài viết Phân tích nguyên nhân và chiến lược điều trị hiện tượng "tái phát" của bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau khi xuất viện, Giáo sư Lưu Huy Quốc, Chủ nhiệm Khoa Hô Hấp và Hồi sức cấp cứu bệnh viện Đồng Tế thuộc Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung Vũ Hán chia bệnh nhân nhiễm Covid-19 thành bốn nhóm gồm bệnh nhân bình thường chưa từng điều trị hormone, bệnh nhân bình thường từng điều trị hormone, bệnh nhân cao tuổi trên 60 tuổi và bệnh nhân nặng hoặc đã thuyên giảm từ nặng về bình thường.
Bài viết gợi ý rằng, cần phân tầng quản lý đối với bốn nhóm bệnh nhân và đưa ra các tiêu chuẩn xuất viện khác nhau cho từng nhóm bệnh nhân này. Khi bệnh nhân xuất viện, bất kể thuộc nhóm nào, thân nhiệt đều phải khôi phục bình thường trong ít nhất một tuần. Đối với những bệnh nhân đã sử dụng Glucocorticoid, việc xuất viện phải phù hợp với quy định như dừng hoàn toàn điều hormone và thân nhiệt khôi phục bình thường trong cả tuần.
Nhóm chuyên gia của ông Lưu Huy Quốc còn đề nghị, sau khi xuất viện, bệnh nhân nên tiếp tục quan sát và cách ly ít nhất 2 tuần, sau đó tái xét nghiệm axit nucleic. Để ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong gia đình, khuyến cáo bệnh nhân xuất viện nên tập trung cách ly ở những nơi như khách sạn.
Ngoài các bệnh nhân dương tính sau khi xuất viện, một hiện tượng khác liên quan tới Covid-19 cũng rất được chú ý tại Trung Quốc. Đó là, một số bệnh nhân nhập viện nhiều lần cho kết quả âm tính với xét nghiệm axit nucleic, nhưng tình trạng của họ không cải thiện.
Bác sĩ tại bệnh viện hàng đầu Bắc Kinh chỉ ra rằng, điều này không hiếm gặp và hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều xảy ra những trường hợp như vậy, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm do virus gây ra.
Ông này phân tích rằng, virus tương đương với việc bật "công tắc" có hại và các cơ quan của bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng, nhưng sau khi đóng "công tắc", tổn thương sẽ không phục hồi ngay lập tức. Các tổn thương đã được gây ra sẽ mất một thời gian để khôi phục.
Ông nói: "Không giống như mọi người vẫn thường hiểu rằng, ngay khi virus được loại bỏ, cơ thể sẽ khỏe mạnh trở lại. Không phải như vậy, nó còn tùy thuộc vào mức độ gây tổn thương của virus".