Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã đưa ra đề xuất về “định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không” để lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Theo đề án này, ACV với vai trò công ty cổ phần, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (95,4% vốn điều lệ), có vai trò chủ đạo trong đầu tư khai thác cảng hàng không (CHK). Đơn vị này có trách nhiệm trong đầu tư phát triển và định hướng đầu tư tại 22 CHK do doanh nghiệp này đang quản lý, khai thác và đầu tư, khai thác CHK quốc tế Long Thành.
Ba cảng hàng không được đề xuất sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng toàn cảng, bao gồm: Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị. Đây hầu hết là các cảng hàng không nhỏ, địa bàn khó khăn, tiềm năng về lượng khách không cao. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại đề xuất sẽ đầu tư theo mô hình PPP hoặc BOT toàn cảng như sân bay Vân Đồn chứ không chỉ một vài khu sinh lời.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất chỉ xã hội hóa đầu tư toàn cảng với 3 sân bay (Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị) còn lại, với 22 sân bay mà ACV đang quản lý và sân bay Long Thành thì không thực hiện xã hội hóa toàn cảng.
Đề xuất này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành liên quan cũng như từ phía dư luận.
Góp ý về đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đề nghị không giới hạn danh mục CHK có thể kêu gọi xã hội hóa. Việc xác định một CHK, công trình kết cấu hạ tầng cảng kêu gọi xã hội hóa đầu tư cần dựa trên nhu cầu theo quy hoạch được duyệt và khả năng cân đối nguồn vốn.
Bộ Tư Pháp cũng đã có văn bản gửi tới Bộ GTVT để trả lời về nội dung “Định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không”, trong đó nêu rõ, Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không nêu trên (trừ cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) đề làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chỉ thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.
Phân tích về đề nghị này, văn bản của Bộ Tư pháp trích dẫn Nghị quyết cố 13-NQQ/TW đã chủ trương chỉ huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, “tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động nguồn lực xã hội”.
Nghị quyết 12-NQ/TW của hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cùng chủ trương “Doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Vì vậy, đối với các cảng hàng không không phải là cảng quan trọng, thiết yếu mà Nhà nước cần đầu tư, sở hữu và ACV quản lý không hiệu quả. Trong khi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm thì nên mở rộng thực hiện xã hội hoá toàn bộ cảng hàng không này, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Đặc biệt, về đề nghị giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề nghị cần xem xét lại
vì ACV là một CTCP, không phải là cơ quan Nhà nước để thay mặt Nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không.
“Việc lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả", văn bản từ Bộ Tư pháp nêu rõ.