Cá nhân trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ số... đóng góp hàng trăm tỷ cho đất nước
Năm 2019, hai cá nhân tại Hà Nội có thu nhập 590 tỷ đồng, nộp thuế 41,5 tỷ đồng từ việc viết phần mềm cho các mạng xã hội, Google. Thuế thu từ hai cá nhân này đã giúp số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử năm 2020 tại Hà Nội đạt 123 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2019.
Sang đến 2021, dù nhiều hoạt động kinh tế, và ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng dường như những người hoạt động trong lĩnh vực viết phần mềm, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, công nghệ số... đang miễn nhiễm.
Tại Hà Nội, chỉ tính riêng quý 3/2021, số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thông tin…), tại các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, Youtube, Apple,... đã tăng 59 tỷ đồng.
Qua đó nâng tổng số thu này tại Hà Nội lên 226 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Hà Nội cũng là địa phương ghi nhận số thu thuế cao nhất từ các hoạt động trên.
Cơ hội để Việt Nam ‘nâng cấp’ con số 226 tỷ đồng
Ngày 17/11/2021, phát biểu tại hội thảo "Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông Michael MacDonald - Giám đốc Chuyển đổi số và cố vấn cho Tổng Giám đốc Huawei Đông Nam Á thông tin, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, con số thiếu hụt có thể lên tới 47 triệu người vào năm 2030.
Đặc biệt, chi phí cho sự thiếu hụt này có thể lên tới 238.000 tỷ USD. Hơn 50% Giám đốc điều hành tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, rất khó để tìm kiếm được nguồn nhân lực số với kỹ năng, kiến thức phù hợp tại khu vực này.
Ông Michael MacDonald nhấn mạnh, đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội rất lớn với Việt Nam, Việt Nam hiện đang còn những dư địa về nhu cầu nguồn nhân lực ICT (Công nghệ thông tin - truyền thông) xuất phát từ những yếu tố sau:
Thứ nhất, có những sự mất cân đối tại các ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao. Có thể thấy, nguồn cung và cầu nhân lực trong lĩnh vực này đang có sự chênh lệch rất lớn. Vì vậy, còn rất nhiều cơ hội cho lao động trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp kỹ thuật cao phát triển.
Thứ hai, 70% nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai sẽ nằm trong các lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,... Các ngân hàng cũng dự báo, các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu đang thiếu hụt tới 7 triệu chuyên gia liên quan đến công nghiệp ICT.
Giám đốc Chuyển đổi số và cố vấn cho Tổng Giám đốc Huawei Đông Nam Á cho biết, trong tương lai, Việt Nam sẽ có nhu cầu rất cao với nguồn nhân lực ICT.
Để bù đắp được sự thiếu hụt này, Việt Nam cần có các chương trình tích hợp kỹ năng cho người lao động, đây là điều rất quan trọng đối với nguồn nhân lực trong tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có sự cộng tác giữa các nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật và kinh doanh. Nguồn nhân lực cần có năng lực tổng hợp, toàn diện. Đặc biệt, lao động tại Việt Nam cần có kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện các dự án thương mại quốc tế, và khả năng xử lý đối với những kịch bản kỹ thuật phức tạp.
Tại Việt Nam, thu nhập của lao động trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số luôn được đánh giá thuộc top cao nhất trong các ngành nghề.
Đặc biệt, Việt Nam đều được các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều dư địa cho nguồn lực công nghệ, chuyển đổi số phát triển, nếu thực hiện hiệu quả đề xuất của PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Việt Nam nên ưu tiên đầu tư cho nguồn lao động số", nước ta kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều lao động chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, sản xuất nội dung số.
Vậy thì số thuế thu được từ các hoạt động này sẽ không chỉ dừng lại ở 226 tỷ đồng, mà có thể sẽ tăng gấp nhiều lần con số này.