Đầu năm mới Quý Mão - 2023, Hợp tác xã Mây tre đan An Khê, thành phố Đà Nẵng đã bắt tay vào sản xuất, chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới. Ông Lê Công Minh ở phân xưởng mây tre đan An Khê cho biết, ông làm việc tại đây lâu năm với mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng. Từ cuối năm ngoái đến nay, trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó nhưng Hợp tác xã Mây tre đan An Khê vẫn hoạt động ổn định.
“Tôi làm ở đây thì cũng lâu rồi, thu nhập bình quân 15 triệu một tháng. Sau tết đây thì có việc mình làm thôi, cán bộ ở trên lo hàng hóa. Mấy năm gần đây bị Covid-19 mà chỗ này vẫn giữ được công việc cho công nhân làm ăn được cơm no áo ấm thì cũng mừng” - ông Lê Công Minh nói.
Hiện nay, Hợp tác xã Mây tre đan An Khê, thành phố Đà Nẵng có 3 cơ sở sản xuất mây tre đan đóng ở quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang với khoảng 200 lao động. Hợp tác xã này chuyên cung cấp nguyên liệu mây tre đan, các sản phẩm nội thất, lưu niệm từ mây, tre, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan An Khê cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời thông qua các chính sách của thành phố Đà Nẵng cũng như của Chính phủ. Cụ thể, Hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư hệ thống lò sấy mây tre trị giá 200 triệu đồng, tạo ra sản phẩm đẹp, không phụ thuộc vào thời tiết. Các chính sách hỗ trợ như giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng của năm 2022 cũng đã giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan An Khê, thành phố Đà Nẵng khẳng định, nhờ các chính sách này đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn: “Trong năm qua, thành phố Đà Nẵng có sự hỗ trợ rất sâu rộng cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hợp tác xã Mây tre đan An Khê trong năm cũng nhận được sự hỗ trợ của Sở Công thương về hệ thống sấy mây đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp nên hiệu quả rất tốt”.
Năm 2022, từ các chính sách hỗ trợ của thành phố và Chính phủ, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đã có sự phục hồi mạnh mẽ, doanh thu đạt hơn 5.100 tỷ đồng. Doanh nghiệp này nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình của Bộ Công thương và UBND thành phố Đà Nẵng.
Sản phẩm mây tre đan được thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết, công ty đã tiếp nhận và sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ gần 700 triệu đồng dành cho dự án đầu tư thiết bị công nghệ Hệ thống cân hóa chất tự động.
“Sự hỗ trợ của Bộ Công thương cũng như của Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng được hưởng thụ rất nhiều từ việc kết nối cung cầu, từ việc kết nối giao thương với các đơn vị trong toàn quốc, kể cả đưa sản phẩm ra quốc tế cũng nhờ sự kết nối của các bộ ngành” - ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nói.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, đầu tư mở rộng thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thành phố đã ban nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển.
“Trong các chính sách hỗ trợ thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tức là sẽ có những doanh nghiệp mới được thụ hưởng và có những doanh nghiệp được thụ hưởng lần 2, lần 3… trên tinh thần hỗ trợ 1 chuỗi để họ có thêm nguồn lực nâng cao chất lượng, năng suất cũng như tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn, nâng quy mô, nâng tầm thương hiệu” - bà Nguyễn Thị Thúy Mai nói.
Thời gian gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thành phố Đà Nẵng triển khai đã tiếp sức cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất. Theo Cục Thuế thành phố Đà Nẵng, tổng số thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm trong năm 2022 đối với người nộp thuế gần 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Nghị quyết của Quốc hội cũng đã giảm 350 tỷ đồng tiền miễn, giảm thuế giá trị gia tăng.
Ông Phạm Đức Thường, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng cho biết, năm nay thành phố vẫn duy trì một số chính sách miễn giảm thuế, giúp các doanh nghiệp từng bước phát triển sản xuất kinh doanh.
“Đối với chính sách về thu được cộng đồng người nộp thuế đánh giá rất hiệu quả, tạo nguồn vốn, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ, chính sách gia hạn nộp thuế tạo nguồn lực về tài chính. Chính sách giảm thuế VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng dầu, mỡ nhờn… hỗ trợ rất nhiều cho người nộp thuế, trước hết là doanh nghiệp ổn định, tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất” - ông Phạm Đức Thường nói./.