Do tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND Tp.HCM đã có thông báo tiếp tục thực hiện giãn cách toàn TP thêm 14 ngày, kể từ ngày 15/6/2021 để phòng chống dịch. Trước tình hình này, nhiều chủ cho thuê mặt bằng, nhà trọ đã chủ động miễn giảm tiền thuê để người thuê vượt qua khó khăn hiện nay.
Tại huyện Bình Chánh (Tp.HCM), nhiều chủ nhà trọ đã miễn giảm 100% giá thuê phòng trọ cho người thuê nhà mùa dịch Covid-19. Đây cũng là cách làm mới trong công tác chăm lo an sinh xã hội của huyện này trong đợt dịch Covid-19 lần đầu năm 2020. Xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh (Tp.HCM ) cũng là nơi đầu tiên trên địa bàn Tp.HCM triển khai thực hiện đó là miễn, giảm tiền thuê nhà trọ.
Từ đầu năm 2020, cách làm này đã được nhân rộng tại các xã trên địa bàn huyện Bình Chánh, và tiếp tục được thực hiện trong đợt dịch Covid-19 lần này. Điều đáng trân trọng hơn đó là sự đồng tình ủng hộ của đại đa số các chủ nhà cho thuê trọ chỉ với mong muốn hỗ trợ phần nào chi phí sinh hoạt cho lao động phổ thông nghèo.
Mới đây, hơn 300 người đang thuê trọ tại Khu lưu trú số 1 (huyện Hóc Môn, Tp.HCM) đã được anh Phạm Trung Hiếu, chủ khu lưu trú giảm tiền thuê trọ. Được biết, ngoài giảm 50% tiền thuê phòng trọ, anh Hiếu còn tặng quà cho các anh chị công nhân sống trong khu này, nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Đồng thời, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân Tp.HCM cũng đã hỗ trợ ATM gạo.
Trong khi đó, tại dãy trọ hơn 20 phòng cho thuê trên đường Nguyễn Công Hoan (phường 7, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM), ông Hồ Đề cũng đang miễn phí tiền trọ cho một số người thuê trọ tại đây. Người dân địa phương cho biết, việc ông Đề miễn, giảm tiền thuê trọ là điều không mấy xa lạ. Bởi hơn 40 năm trước, ông đã cưu mang, thậm chí cho người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo ở trọ miễn phí.
Trong khu trọ, ông Đề dán bảng thông báo giảm 50% tiền thuê cho mọi người. Thế nhưng, khi ông biết gia đình nào khó khăn quá, ông giảm cho họ từ 60-70% tiền trọ. Có người được ông miễn hoàn toàn tiền thuê trọ. Đây là lần thứ tư người đàn ông này, giảm tiền thuê trọ cho những người công nhân, lao động nghèo.
Cuối tháng 5/2021, hẻm 352/17 đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh bị phong tỏa. Cả khu trọ với 36 phòng của ông Nguyễn Văn Tới (57 tuổi) cũng nằm trong chuỗi nhà bị cách ly. Ngay khi bị phong tỏa, ông Tới đã có thông báo giảm 50% tiền trọ tháng 6. Hôm sau, ông Tới còn đi mua gạo, mì gói, dầu ăn… tặng cho toàn bộ 36 phòng trọ. Trước cửa nhà ông có một chiếc bàn nhỏ được kê sẵn, chất đầy rau xanh, củ quả tươi. Đồng thời, ông còn liên hệ UBND phường 28 và mạnh thường quân xin hỗ trợ hàng trăm suất ăn để tặng cho người nghèo trong khu trọ.
Hay, khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Bùi Thị Tuyết Lan, chủ một khu nhà trọ trên đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, đã tặng mỗi phòng trọ một phần khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn và 10 kg gạo. Khu nhà trọ bà Lan hiện có 40 phòng, giá thuê 1,1 triệu đồng/tháng và hơn 10 năm nay không đổi. Tùy hoàn cảnh, bà Lan giảm từ 30-50% để động viên anh chị em vượt qua mùa dịch.
Trước đó, vào các đợt dịch trước, nhiều nghĩa cử cao đẹp như giảm, miễn tiền thuê phòng trọ cho công nhân cũng được nhiều chủ nhà trọ áp dụng. Cùng với đó, một số doanh nghiệp cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng chủ động giảm tiền thuê mặt bằng hỗ trợ cho người kinh doanh. Đây được xem là những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái trong lúc khó khăn.
Quả thực, dịch Covid-19 khiến những người kinh doanh, đối tượng công nhân, lao động nghèo đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Trong đợt dịch lần này, Tp.HCM giãn cách xã hội lâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng như công ăn việc làm của nhiều người. Vì thế, những giải pháp hỗ trợ, tương thân tương ái lúc này là hoàn toàn cần thiết.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Tp.HCM cho biết, thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi, chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng. Giá thuê tiếp tục lao dốc khi những khảo sát của Savills gần đây cho thấy: để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê; trong khi với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20% đến 40% giá chào thuê hiện tại.
Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất bởi hai bên, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.