Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang có sự khởi sắc mạnh mẽ. Trong đó, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15.000 DN, tương đương với số vốn đăng ký là hơn 164.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 105.000 lao động. Thực tế cho thấy, đang có rất nhiều cơ hội mở ra để DN có thể nhanh chóng phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay, cuộc sống của người dân gần như đã trở lại bình thường. Thị trường trong và ngoài nước được khôi phục sẽ là cơ hội lớn để DN mạnh dạn đầu tư sản xuất. Triển khai chương trình phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu từ 6 - 6,5% như kỳ vọng. Mặc dù vậy, để đạt được mức tăng trưởng này cần có giải pháp hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, thay vì đổ vào những kênh đầu tư rủi ro.
GSTS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân cho biết, Chính phủ xác định các lĩnh vực ưu tiên cần đầu tư và cũng hướng những ưu tiên vào lĩnh vực đó. “Ngoài chính sách như vậy, vấn đề còn lại là định hướng của các nhà đầu tư. Nếu chỉ nói là hướng dòng vốn vào đó thì chưa đủ, cần có các điều kiện khác để dòng vốn đầu tư thực sự đem lại hiệu quả. Tôi cho rằng, muốn thúc đẩy sản xuất thực thì cần có những biện pháp tổng thể nhiều hơn, chỉ riêng lĩnh vực tài chính là chưa đủ”, GSTS Phạm Hồng Chương chỉ rõ.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, triển khai có kết quả các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, việc triển khai các gói hỗ trợ trong thời gian gần đây đã hiệu quả hơn rất nhiều so với những năm trước. Trong đó, có các chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng hay chính sách về giảm thuế VAT.
Tuy nhiên, việc thực hiện các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần được thực hiện linh hoạt, tạo ra động lực để DN, nhất là DN vừa và nhỏ mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để nhanh chóng phục hồi. Về phía DN, cần chủ động xây dựng kế hoạch sẵn sàng nắm bắt những cơ hội mới đang mở ra.
“Có rất nhiều giải pháp mà DN cần cân nhắc, tùy theo đặc điểm cũng như sức chịu đựng mà thực hiện cho phù hợp. Trước hết là phải rà soát lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất và xem xét lại các hợp đồng để duy trì thị trường. Cần đa dạng hóa thị trường và bổ sung các nguồn lực đang còn thiếu để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là cần nhận diện những cơ hội mới cũng như thách thức mới để bổ sung vào chiến lược của mình trong năm nay và thời gian tới”, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ rõ./.