Một chủ tịch CĐ một DN thuộc lĩnh vực điện tử (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết, đối với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, khi CĐ của Cty tiến hành khảo sát ý kiến, trong 400 CN khi được hỏi có đồng ý LĐ nữ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 không thì chỉ 2 ý kiến đồng ý; nam tăng từ 60 lên 62 thì chỉ 5 ý kiến đồng ý.
“Họ không đồng tình bởi công việc của họ là lao động chân tay, sử dụng mắt nhiều và phải đứng hoàn toàn, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Họ băn khoăn khi độ tuổi đã cao nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì DN có sử dụng nữa không hay tìm cách cho họ nghỉ việc? Nếu CN nghỉ giữa chừng thì ở độ tuổi 55-60 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm, liệu có DN nào tuyển dụng họ không”- Chủ tịch CĐ này cho biết.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Còn một CN may đến từ tỉnh Thái Nguyên cũng bày tỏ lo lắng và không đồng tình trước thông tin tăng tuổi nghỉ hưu. Theo chị, công việc của CN trực tiếp như chị rất vất vả, ở tuổi của chị (48 tuổi) thì mắt đã mờ, xương khớp đã yếu. Nếu nghỉ hưu muộn thì NLĐ liệu có theo được với yêu cầu của công việc không? Trong khi đó, NLĐ không thể nghỉ việc vì vẫn cần phải thu nhập nuôi bản thân và gia đình. Nếu kéo dài đi làm mãi thì sức khỏe ngày càng giảm sút…
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định mốc tuổi nghỉ hưu 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ với lộ trình 2 phương án. Phương án 1: Kể từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Phương án 2: kể từ 1.1.20121, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ.
Theo Tổng LĐLĐVN, cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là CNLĐ trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.