Muôn vẻ chuyển giá
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay” do Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức sáng 19/7 tại Hà Nội, ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 12, cho rằng vì lợi ích của mình, một số doanh nghiệp sẽ không từ bỏ thủ đoạn nào để gia tăng lợi nhuận và giảm nghĩa vụ thuế cho nhà nước.
Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 12.
Ông Khương cho biết hiện nay hoạt động chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn. Để xác định hành vi chuyển giá, trước hết cần có cơ sở dữ liệu về giá.
“Hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về giá hàng hóa, dịch vụ, máy móc, trang thiết bị. Nhà nước cũng chưa giao cho một cơ quan nào có thẩm quyền quyết định về giá cả thị trường”, ông Trần Minh Khương cho hay.
Chẳng hạn như trường hợp có sự tranh chấp về giá giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp, cơ quan thuế không biết yêu cầu cơ quan nào xác định giá cả thị trường. Trong khi cơ chế thỏa thuận trước về giá tính thuế cần phải được sự đồng ý của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thuế, ngoài cơ quan thuế không có cơ quan kiểm tra, kiểm toán nào khác được kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế tại trụ sở của các doanh nghiệp, nên việc chống chuyển giá còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, chuyển giá là hành vi tránh thuế, chứ không phải trốn thuế.
Trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng tránh thuế là tận dụng những kẽ hở của luật để tối thiểu hóa việc nộp thuế, đó là động cơ bình thường của bất kỳ một doanh nghiệp nào.
“Chúng ta không xem đó là hành vi xấu của doanh nghiệp, mà chúng ta cần nhìn nhận năng lực quản lý của nhà nước như thế nào,” ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Chúng ta chưa có được hành lang pháp lý hoàn thiện nên không tạo ra công cụ vừa có tính chất khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tuân thủ, đồng thời đấu tranh chống chuyển giá.
Một khía cạnh nữa là chúng ta mong muốn có được đầu tư nước ngoài và thu hút bằng mọi giá nên nhiều cơ chế, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư. Thậm chí, về phương diện quản lý thuế chúng ta đã có phần buông lỏng, thiếu sự giám sát đối với khu vực FDI.
“Cũng từ những ưu đãi thuế đó, đến giai đoạn thực thi ở cấp độ địa phương, địa phương nào cũng tìm cách ưu đãi, tạo ra tình trạng “kéo nhau xuống đáy”, còn ở cấp độ quốc gia tạo ra tình trạng “da báo”,” ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng những lý do trên làm tăng động cơ lách thuế của các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ với doanh nghiệp FDI mà kể cả doanh nghiệp trong nước. Chính môi trường thuế của chúng ta đã nuôi dưỡng hành vi không tuân thủ thuế.
Giải pháp nào để chống chuyển giá?
Theo ông Trần Minh Khương, để hoạt động chống chuyển giá có hiệu quả, cần tập trung xây dựng dữ liệu về giá cả thị trường, đặc biệt là đối với hàng hóa nhập khẩu. Nhà nước phải giao cho một cơ quan có chức năng xác định giá thị trường.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright. |
Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm chức năng của Kiểm toán nhà nước là có thẩm quyền kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ thuế tại các doanh nghiệp có hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Qua đó tạo sức ép cho ngành thuế phải thực hiện chức trách của mình một cách trách nhiệm hơn, chống chuyển giá tốt hơn.
Trong khi đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng chúng ta cần phải hợp tác với các công ty kiểm toán, họ có những kiểm toán viên đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn và có những kinh nghiệm quý.
“Các công ty kiểm toán sẽ góp ý chính sách để Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý, chứ không thể ngồi bàn giấy tưởng tượng ra được chính sách,” ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý các công ty kiểm toán cũng có lợi ích của họ và họ sẽ bảo vệ khách hàng của họ.
Thực tế có rất nhiều công ty kiểm toán giúp khách hàng tránh thuế, trong đó có chuyển giá. Giả sử một công ty kiểm toán ký hợp đồng tư vấn cho một công ty A, nhưng cơ quan thuế lại mời công ty kiểm toán đó giúp đỡ việc xác định việc chuyển giá thì chắc chắn họ không thể hợp tác.
Nhưng trong một khía cạnh nào đó, ông Tuấn cho rằng Nhà nước hoàn toàn có thể tăng cường sự hợp tác với các công ty kiểm toán.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh trong việc chống chuyển giá, điều quan trọng nhất là phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Nếu hành lang pháp lý không được hoàn thiện thì nhân viên thuế dù có năng nổ thế nào cũng không thể làm gì.
Chúng ta mới chỉ có Nghị định là hành lang pháp lý cao nhất trong việc quản lý chuyển giá. Luật về quản lý thuế cũng có nói qua một chút, nhưng cần phải có Luật riêng về chống chuyển giá. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực cán bộ quản lý thuế để chống thất thoát thuế.