Cơ sở cho việc này là cú sốc cung ứng nguyên liệu hoặc hàng hóa sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để ngăn dịch Covid-19. Điều này cũng đang tạo nên một cuộc đua “trải thảm đỏ” của các nước trong khu vực để kêu gọi các nhà đầu tư.
Thực tế sự chuyển dịch này đã bắt đầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài khiến nhiều công ty đầu tư lâu dài ở Trung Quốc phải suy nghĩ kế hoạch để tránh bị áp thuế quá cao khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng ngày càng tăng cao, trong khi đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy nguồn cung hàng hóa tại Trung Quốc có thể bị tắc nghẽn bất kỳ lúc nào đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khi quốc gia này phong tỏa để chống dịch. Số liệu hiện nay cho thấy khoảng 40% sản phẩm trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc.
Việt Nam là quốc gia có chiến lược ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả thời gian qua đang là điểm sáng cho các nhà đầu tư hướng đến. (Ảnh: KT)
Chính vì vậy, nhà đầu tư Mark Mobius - Người sáng lập Tập đoàn Mobius Capital Partners nhận định, các tập đoàn đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung sản xuất, tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
“Đại dịch đang khiến các tập đoàn phải suy nghĩ lại và tìm cách thích ứng với những cú sốc nguồn cung nếu có bất cứ một sự cố với quy mô tương tự xảy ra trong tương lai. Các tập đoàn phụ thuộc vào Trung Quốc đang bắt đầu đa dạng chuỗi nguồn cung nhiều nhất có thể” - nhà đầu tư Mark Mobius nói.
Chính phủ Nhật Bản tuần trước thông báo gói 2,2 tỉ USD để khuyến khích các nhà sản xuất nước này di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, trở về nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. Trong khi các thành viên Liên minh châu Âu cũng có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh kế hoạch rút toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất của nước này khỏi Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ tìm cách trừng phạt Bắc Kinh với cáo buộc không minh bạch thông tin trong xử lý đại dịch Covid-19. Theo giới chuyên gia, rõ ràng chính phủ các nước này sẽ mong muốn các tập đoàn quay trở về nước hoặc các thị trường gần, nhưng vẫn có nhiều cơ hội cho các nước khác.
Nhà đầu tư Mark Mobius nhận định: “Tôi nghĩ sẽ có sự đa dạng về địa điểm nơi các chuỗi cung cấp này có thể chuyến đến như Việt Nam, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí là Brazil. Những công ty này đều mong muốn có nguồn cung ứng đa dạng hơn”.
Và đây đang là cơ hội cho nhiều quốc gia khu vực “trải thảm đỏ” để đón các nhà đầu tư. Ấn Độ đang nỗ lực kéo các nhà đầu tư đến nước này, tập trung chào đón các công ty sản xuất thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may và phụ tùng ô tô của Mỹ. Ấn Độ cho biết sẽ cung cấp nguồn lao động giá rẻ, ban hành các đặc quyền và xóa bỏ một số rào cản cho các nhà đầu tư…
Mặc dù vậy, PGS. Paul Staniland tại Đại học Chicago cho rằng, có những cơ hội để Ấn Độ cố gắng giành được một vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng điều này đòi hỏi đầu tư nghiêm túc vào cơ sở hạ tầng và quản trị. Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những địa điểm tiềm năng khác ở Nam và Đông Nam Á.
Nhiều tập đoàn cho biết, cách thức ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19 đã trở thành yếu tố mới trong khâu đánh giá rủi ro trước khi các công ty đưa ra quyết định đầu tư. Với Việt Nam và Singapore, 2 quốc gia có chiến lược ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả thời gian qua đang là điểm sáng cho các nhà đầu tư hướng đến.