Một loạt thương hiệu bán lẻ vốn chuyên kinh doanh lĩnh vực điện máy, thời trang, vàng bạc… đã nhảy vào thị trường đồng hồ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này. Không chỉ vậy, gần đây các đại gia đồng hồ Trung Quốc (TQ) cũng bắt đầu nhìn về thị trường Việt Nam (VN) như là một điểm đến đầu tư đầy màu mỡ.
Bán vàng, điện thoại… kiêm bán đồng hồ
Tự nhận mình là người nghiện đồng hồ và có một bộ sưu tập khá phong phú nhưng anh Nguyễn Tuấn, một doanh nhân tại TP.HCM, cho biết thường xuyên phải nhờ người thân xách tay từ nước ngoài về chứ không dám mua hàng tại thị trường trong nước.
“Thị trường đồng hồ VN rất phong phú, đủ thương hiệu, cả danh tiếng lẫn những cái tên lạ lẫm. Tuy nhiên, tôi không dám mua vì rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng lôm côm” - anh Tuấn nói. Đánh giá của anh Tuấn là có cơ sở. Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống hàng giả, hàng nhái, từng thốt lên rằng 80%-90% đồng hồ tại VN là hàng giả.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường đồng hồ ở VN còn rất bát nháo về nguồn gốc sản phẩm. Chỉ có một số ít cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ. Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Đây là khiếm khuyết của thị trường nhưng đồng thời cũng là cơ hội với những ông lớn, làm ăn uy tín. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành Thế Giới Di Động, tuyên bố công ty gia nhập mảng đồng hồ xuất phát từ việc nhìn thấy người tiêu dùng khó nhận biết đâu là cửa hàng uy tín để mua do thị trường đồng hồ tràn ngập hàng giả.
“Công ty hy vọng bằng uy tín của mình có thể giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Mặt khác, đồng hồ là loại phụ kiện thời trang hơn là vật xem giờ như trước đây nên là một thị trường rất hấp dẫn về mặt lợi nhuận” - ông Em nói.
Thực tế sau khi nhảy vào thị trường này, Thế Giới Di Động đã thu được kết quả tích cực. Chính vì vậy công ty đã lên kế hoạch mở bán mặt hàng mới này tại 40 cửa hàng nửa trước tháng 6 năm nay. Với việc từng bước tiến sâu hơn vào mặt hàng đồng hồ, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu kiếm thêm 5.000 tỉ đồng/năm từ lĩnh vực kinh doanh mới.
Không chỉ Thế Giới Di Động mà nhiều ông lớn khác cũng nhảy vào thị trường này. Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã cung cấp gần 1.000 mẫu đồng hồ từ chín thương hiệu. Tương tự, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI với 61 mẫu đồng hồ đến từ ba thương hiệu, tầm giá trải dài từ 2 triệu tới 32 triệu đồng. Cả hai đơn vị này chủ yếu nhắm đến phân khúc giá dưới 10 triệu đồng và chủ yếu tập trung mẫu mã cho khách hàng nữ.
Thị trường đồng hồ được đánh giá là đầy tiềm năng khi nhu cầu của người tiêu dùng lớn. Ảnh: PM
Miếng bánh còn rất lớn nhưng…
Tuy gần đây có nhiều đại gia nhảy vào nhưng thị trường đồng hồ được đánh giá là còn nhiều tiềm năng và vẫn nằm trong tay các thương hiệu ngoại.
Hơn nữa, hầu hết thương hiệu đồng hồ danh tiếng đều được sản xuất tại TQ nên theo cách hiểu nào đó, người VN càng chi nhiều sẽ càng đem miếng bánh lợi nhuận đẩy về TQ. Bằng chứng là tại triển lãm quốc tế về đồng hồ tổ chức mới đây ở TP.HCM tràn ngập các hãng đồng hồ TQ. Các công ty TQ tỏ ra rất tự tin bán các đồng hồ mang thương hiệu riêng của mình với đủ kiểu dáng, chất liệu với giá mềm.
Ông Hứa Giáo Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Đồng hồ Quảng Châu (TQ), cho biết các công ty sản xuất đồng hồ TQ rất quan tâm đến thị trường VN. “Nhiều nhà sản xuất đã lên kế hoạch chuyển nhà máy từ TQ sang VN để đầu tư và tìm kiếm cơ hội” - ông nói.
Theo ông Trần Đình Phương, chuyên gia tài chính, TQ từ lâu là công xưởng cho các thương hiệu đồng hồ thế giới. Qua đó họ nắm bắt được công nghệ, quy trình sản xuất nên việc sản xuất một đồng hồ mang thương hiệu TQ không quá khó. Vấn đề ở chỗ là làm sao thuyết phục người tiêu dùng chọn mua thương hiệu TQ.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng xu hướng của người tiêu dùng thường xem đồng hồ là phụ kiện thời trang nên chỉ cần mẫu mã đẹp và chạy đúng giờ là đủ nên thương hiệu nào cũng có thể gia nhập thị trường này. Hơn nữa, nhu cầu về đồng hồ mặc dù rất lớn, miếng bánh bán lẻ đồng hồ tuy rất béo bở nhưng không hề dễ ăn. Nó phụ thuộc lớn vào việc nắm bắt nhu cầu khách hàng, cách thức phân phối và uy tín của nhà sản xuất lẫn bán lẻ.
Thị trường 17.000 tỉ đồng chờ doanh nghiệp Việt
Một nghiên cứu của PNJ cho thấy thị trường đồng hồ VN có giá trị lên đến 17.000 tỉ đồng, tương đương hơn 700 triệu USD. Qua đó cho thấy thị trường đồng hồ là miếng bánh ngon còn bỏ ngỏ. Có điều thị trường này vẫn đang còn phân mảnh, chưa một ông lớn VN nào đủ sức chiếm lĩnh.
Đây chính là lý do khiến PNJ đã gia nhập thị trường đồng với phân khúc trung và cao cấp. Chưa bao giờ tiết lộ cụ thể con số về đồng hồ nhưng báo cáo tài chính PNJ năm 2018 ghi nhận khoản mục doanh thu phụ kiện là 27 tỉ đồng. Tại cuộc họp đại hội cổ đông mới đây, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT PNJ, cho biết doanh thu mảng đồng hồ năm 2019 sẽ được đẩy mạnh lên con số 130 tỉ đồng.