Tuyên bố từ cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì nhấn mạnh tình hình kinh tế của đất nước đang thay đổi, áp lực giảm tăng trưởng đang gia tăng và chính phủ cần phải thực hiện các bước đi kịp thời để chống lại điều này.
Tín hiệu khẩn cấp phát đi chỉ vài giờ sau khi báo cáo từ các nhà quản lý quỹ cho thấy sự suy giảm trên diện rộng mà rủi ro lớn nhất liên quan tới giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang hứng chịu những tổn thất nặng nề từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và các hoạt động giảm nợ trong nước.
Tính tới thời điểm hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc chưa đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách, chủ yếu vẫn xoay quanh cắt giảm thuế và những quy định thúc đẩy hơn là các biện pháp tài chính khẩn cấp mà Bắc Kinh vẫn thường sử dụng sau đợt suy giảm trước đó. Các nhà đầu tư chưa được hưởng lợi từ các biện pháp hiện hữu, dẫn tới việc đồng tệ và chứng khoán đều trượt dốc.
PMI giảm sút
Tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc đang chậm lại và ở mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự đoán Mỹ có thể tiếp tục đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến tăng trưởng sản xuất có thể tiếp tục giảm sâu lơn nữa. Lĩnh vực xuất khẩu đang giảm sâu trong khi Trung Quốc chưa thể tìm ra các thị trường mới để thay thế Mỹ sau khi bị đánh thuế.
Nếu cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 thất bại, Mỹ sẽ đánh thuế số hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc. Nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ là phép thử cay đắng nhất với các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc đồng thời đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase & Co., nhấn mạnh những căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng giống với một cuộc chiến tranh thương mại hơn là những xung đột.
Ưu tiên hành động kịp thời
"Các nhà lãnh đạo đang chú ý đến nhiều vấn đề và sẽ ưu tiên hành động kịp thời", Bộ Chính trị Trung Quốc nhắc lại rằng Bắc Kinh sẽ duy trì một chính sách tài khóa chủ động và một chính sách tiền tệ thận trọng trong khi cố gắng tìm ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân.
Vài giờ trước tuyên bố chính thức của Bộ Chính trị được công bố, Hội đồng Nhà nước đã ban hành hướng dẫn chi tiết về thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, nêu bật một số dự án trọng điểm và chỉ định các cơ quan chính phủ cụ thể chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện.
Đầu ngày 31/10, dữ liệu trên khắp thế giới cho thấy ngoài Mỹ, nền kinh tế toàn cầu đang đi vào giai đoạn khó khăn. Sản lượng công nghiệp trong tháng 9 tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng thấp hơn ước tính.
"Mùa xuân năm 2019 sẽ là thời điểm khó khăn nhất đối với Trung Quốc vì nhiều yếu tố như căng thẳng thương mại, doanh số hàng hóa sụt giảm và sự kết thúc của bùng nổ tài sản ở các thành phố không trực thuộc trung ương. Đây sẽ là phép thử lớn để Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%. Các nhà hoạch định chính sách có thể cắt giảm thuế và giảm bớt quyền kiểm soát tài sản tại các thành phố lớn để nâng cao nền kinh tế", Lu Ting, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc tại Nomura International Ltd., có trụ sở ở Hồng Kông, nhận định.
Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp trong tháng 10 nhằm ổn định tâm lý, bổ sung thêm các bước nhằm tăng tính thanh khoản của hệ thông tài chính, giảm thuế hộ gia đình và các biện pháp nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chưa mang lại nhiều hiệu quả.
"Đối với Trung Quốc, dấu hiệu leo thang căng thẳng trong vấn đề thuế quan với Mỹ làm trầm trọng thêm vấn đề. Ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đang tìm cách để kết hợp các mục tiêu kích thích kinh tế với các bước cải cách. Nếu tình trạng tiếp tục xấu đi, Trung Quốc sẽ khó khăn hơn trong việc thực hiện điều này", Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg, nhận định.