Ngày 14-12, Trường ĐH Luật TP HCM đã tổ chức hội thảo hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất UBND thành phố nên tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình thị trưởng .
TS Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng trong mô hình thị trưởng, trụ sở UBND TP HCM nên được đổi tên thành Tòa thị chính, do Thị trưởng đứng đầu và có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc.
Chức năng chủ yếu của Tòa Thị chính là quản lý địa phương, thi hành văn bản của HĐND, chịu trách nhiệm trước HĐND thông qua cơ chế bãi miễn. Thị trưởng cũng có trách nhiệm trong điều phối việc cung cấp dịch vụ công về giao thông, nhà ở, việc làm...
TS Hà nhìn nhận mô hình thị trưởng khả thi với TP HCM. Bởi bên cạnh nguyên tắc "thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số", vẫn tồn tại đáng kể vai trò điều hành của cá nhân người đứng đầu. Thậm chí, vai trò Chủ tịch UBND TP HCM có sự lấn át vì điều hành thường xuyên, trực tiếp, giữ tiếng nói chi phối.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thanh Quyên và ThS Huỳnh Thị Hồng Nhiên (Trường ĐH Luật thành phố) cho biết mô hình thị trưởng được áp dụng ở nhiều đô thị lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Berlin (Đức), New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc)...
Theo hai chuyên gia này, mô hình người đứng đầu đô thị chịu trách nhiệm quản lý khá hiệu quả, và kiến nghị nên nghiên cứu mở rộng thẩm quyền cho người đứng đầu, bao quát toàn diện các lĩnh vực của đô thị. Đi kèm với thẩm quyền là trách nhiệm lớn và mọi sai sót trong chất lượng dịch vụ công đều quy trách nhiệm về người đứng đầu.
Được biết, mới đây, Bộ Nội vụ cũng đề xuất nghiên cứu kinh nghiệm các nước về mô hình tòa thị chính, thị trưởng ở đô thị phù hợp với đặc thù Việt Nam.