Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về Dự thảo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự thảo lần này có một số điều chỉnh bổ sung so với các bản trước, sau khi Cục Hàng không đã làm việc với một số địa phương có đề xuất về bổ sung thêm sân bay ở tỉnh mình vào quy hoạch để kêu gọi đầu tư.
Theo đó, Cục Hàng không đề xuất bổ sung thêm vào quy hoạch sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và sân bay Biên Hoà (Đồng Nai) làm sân bay nội địa, được đầu tư xây dựng từ nay tới năm 2030. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ sân bay quân sự thành sân bay dân dụng với 2 sân bay này có điều kiện địa phương phải tìm được nhà đầu tư để triển khai theo hình thức xã hội hoá (không đầu tư ngân sách nhà nước).
Với các địa phương đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch, sau khi làm việc với các địa phương, Cục Hàng không đề xuất tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng quy hoạch, chuyển đổi một số sân bay quân sự sang khai thác lưỡng dụng, gồm: Sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái), sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét khi có đủ điều kiện cần thiết.
Cục Hàng không cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu với một số địa phương chưa có sân bay, để đánh giá khả năng quy hoạch sân bay ở địa phương có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, về lâu dài có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ để báo cáo Thủ tướng xem xét khi đủ điều kiện.
Như vậy, với lần trình mới này, Cục Hàng không chỉ đề xuất đưa vào quy hoạch 2 sân bay mới, gồm Thanh Sơn, Biên Hoà; tiếp tục nghiên cứu thêm sân bay Yên Bái, Gia Lâm.
Hàng loạt đề xuất khác của các địa phương chỉ được lưu ý tiếp tục nghiên cứu báo cáo Thủ tướng quyết định khi đủ điều kiện, thay vì đưa thẳng vào quy hoạch, gồm: Hà Giang (sân bay Tân Quang), Tuyên Quang (Na Hang), Hà Tĩnh, Kon Tum (Măng Đen), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hoà (Vân Phong), Đăk Nông, Tây Ninh, Mộc Châu (Sơn La).
Thay đổi trên của Cục Hàng không khá bất ngờ, bởi hồi tháng 12/2022, khi làm việc với các địa phương, chính cơ quan này đã trình Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch 9/10 đề xuất của các địa phương trên (chỉ trừ sân bay Mộc Châu do không đạt điều kiện về tự nhiên).
Nếu đề xuất quy hoạch mới của Cục Hàng không được thông qua, giai đoạn tới năm 2030, ngoài 21 sân bay đang khai thác, sẽ đầu tư thêm các sân bay gồm: Long Thành, Lai Châu, Nà Sản, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Biên Hoà, Thành Sơn.
Về tầm nhìn đến năm 2050, sẽ thêm sân bay Cao Bằng, sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Quy hoạch cũng xác định sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp 1 số sân bay hiện có trong thời gian tới, như: Tiếp tục các giai đoạn hoàn thiện sân bay Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; Mở rộng nhà ga T2, làm thêm đường băng mới và nhà ga T3 sân bay Nội Bài, Thọ Xuân; Mở rộng sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương…
Đầu tư xây dựng mở rộng, xây dựng mới các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng núi, hải đảo: Điện Biên, Sa Pa, Pleiku, Côn Đảo...
Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng, được huy động bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.