Từ 7h ngày 20/3, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã có mặt tại Hội trường Thống Nhất chuẩn bị cho tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Cùng lúc, tại Trung tâm hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng diễn ra lễ viếng nguyên Thủ tướng.
Trưởng ban lễ tang là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bắt đầu buổi lễ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (Trưởng ban tổ chức tang lễ) nhắc lại tiểu sử nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Với nhiều cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, dân tộc, ông nhận được nhiều huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước.
|
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước viếng tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. |
Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, các đoàn bắt đầu vào viếng linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đầu tiên là gia quyến nguyên Thủ tướng, sau đó lần lượt đến các đoàn của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và MTTQ Việt Nam…
Trong sổ tang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải – Anh Sáu Khải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, đã cống hiến trọn đời mình, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc".
"Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí! Xin vĩnh biệt anh Sáu Khải! Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất!".
|
Nhiều đoàn lần lượt xếp hàng vào Hội trường Thống Nhấtviếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Thành Nguyễn - VNExpress |
Có mặt lúc 8h15, nam sinh Duy Hùng (trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) cho biết cảm thấy vinh dự khi được tham gia lễ viếng cố Thủ tướng. "Em chưa gặp bác Khải lần nào nhưng qua báo đài, em biết bác là người tốt", Hùng nói.
Bà Trần Thị Ty (ngụ quận 9) cũng có mặt từ rất sớm để được thắp hương cho nguyên Thủ tướng. "Chồng tôi với chú Khải là bạn bè cùng tập kết ra Bắc nên biết nhau. Tôi chỉ gặp chú Khải một vài lần, thấy chú là người giản dị, tốt tính", bà nói.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời lúc 1h30 ngày 17/3 tại quê nhà Củ Chi, TP HCM.
Theo Ban tổ chức tang lễ, trong hai ngày viếng chính thức ở nhà riêng nguyên Thủ tướng có gần 1.000 đoàn người dân, lãnh đạo các cấp, cơ quan, đoàn thể đến chia buồn cùng gia quyến.
Viết trong sổ tang tại gia quyến, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tiếc thương, "vĩnh biệt anh Sáu, đồng chí Phan Văn Khải".
"Đồng chí Phan Văn Khải là thủ tướng trực tiếp của tôi trong hai nhiệm kỳ Chính phủ đầy khó khăn và nhiều kỷ niệm, đồng chí Khải là người anh nhân hậu, nghĩa tình. Một nhân cách lớn", nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết.
Tối 19/3, rất đông người dân đến đưa tiễn linh cữu nguyên Thủ tướng từ quê nhà tới Hội trường Thống Nhất để thực hiện những nghi thức Quốc tang.
Lễ viếng sẽ kéo dài hết ngày mai 21/3. Sau đó, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức trọng thể lúc 7h30 ngày 22/3 tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng sẽ được tổ chức lúc 11h cùng ngày tại quê nhà của ông ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là lãnh đạo có tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập. Ông cũng là người trình Dự thảo Luật về Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) ký chính thức năm 2001; là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Mỹ, gặp Tổng thống Bush năm 2005 mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và Mỹ.