Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hiện nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc lập website để khuyến mại, quảng cáo và bán hàng qua mạng.
Thương mại điện tử ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được bày bán công khai, tràn lan trên các website và mạng xã hội.
Thực tế nói trên đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng để xử lý.
Các vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ vốn đã phức tạp nhưng những vi phạm trong thương mại điện tử còn "tinh vi" hơn nhiều lần.
Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện thiếu và lạc hậu.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài địa bàn chưa đồng bộ, một số nơi còn mang tính cục bộ.
Việc nhận thức thực hiện quy chế phối hợp của các lực lượng ở một số nơi còn mang tính hình thức, phối hợp chưa chặt chẽ.
Trong bối cảnh tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, do đó để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường các giải pháp giám sát, chủ động thu thập thông tin, đánh giá để xây dựng phương án đấu tranh.
Thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tế công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Tăng cường đào tạo, tập huấn các kỹ năng về nhận diện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kỹ thuật chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sử dụng công nghệ cao...