Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, dịch bệnh đang tác động trực tiếp đối với nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp thời điểm này đang điêu đứng vì khó khăn chồng chất khó khăn như bài toán về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đang phải cố gắng cầm cự, chia sẻ nguồn lực, tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, tìm thị trường mới để xuất khẩu...
Ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều doanh nghiệp lao đao. (Ảnh minh họa)
Công ty dệt may Phú Vĩnh Hưng có hơn 250 lao động thường xuyên, trước đây sản xuất 3 ca liên tục với 20 vạn sản phẩm trong một ngày... thì giờ đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, con số này giờ chỉ là quá khứ.
Ông Nguyễn Quang Hạnh, Phó Giám đốc Công ty dệt may Phú Vĩnh Hưng cho biết, do thiếu nguyên liệu đầu vào, đầu ra cả trong nước và xuất khẩu, nên doanh nghiệp bị suy giảm 70- 80% sản lượng, khiến doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, doanh nghiệp đã xác định việc ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ kéo dài nên đã cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, cố gắng duy trì sản xuất và đảm bảo đời sống cho công nhân.
Cùng chung với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, tất cả đầu ra sản phẩm của Công ty đều bị giảm, việc bán lẻ mặt hàng nông sản sạch thời gian qua tại các hệ thống cửa hàng đều gặp khó. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn đầu ra trong nước, sắp tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới phù hợp với các mặt hàng nông sản sạch, hữu cơ.
“Chúng tôi chuyển hướng sang chế biến không làm hàng thô như trước nữa. Cùng với đó đối với thực phẩm tươi hàng ngày, đóng theo combo đến từng cơ quan, tòa nhà chung cư để chào hàng tiêu thụ sản phẩm. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm các thị trường mới, như Ấn Độ rất tiềm năng”, bà Hằng cho hay.
Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển, các cơ quan chức năng đang xây dựng các giải pháp về chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Trong đó, tập trung việc giãn thời gian nộp thuế, không phạt chậm nộp thuế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng người dân, doanh nghiệp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất doanh nghiệp đang phải tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh. |
Theo đó, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại; Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu… |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ là đúng mục tiêu và là những chỉ đạo kịp thời. Cụ thể như giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế, giảm lãi suất với các khoản vay…
Bà Trang cho rằng, đối với những khoản vay hiện tại thì cần có biện pháp hoãn hoặc giảm lãi suất đối với các khoản vay, khoanh nợ những khoản vay phải trả trong thời điểm này. Với các khoản phí, lệ phí cần giảm bớt cho doanh nghiệp. Đồng thời đây là thời điểm để các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cùng tìm các giải pháp dài hạn trong tương lai như phát triển công nghiệp phụ trợ, để tận dụng ưu đãi về thuế quan.
“Đây là thời gia để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cùng có biện pháp dài hạn để xử lý vấn đề vốn. Trong bối cảnh này phải có sự năng động sáng tạo trong việc thay đổi, chuyển đổi nguồn cung thị trường, chu trình sản xuất, cách thức sản xuất, có những trường hợp nào có thể làm việc được từ xa, sử dụng công nghệ… doanh nghiệp phải đầu tư để thay đổi, doanh nghiệp thay đổi trong việc tiếp cận thị trường để đáp ứng”, bà Trang nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, hiện tại Chính phủ cùng các bộ, ngành, cần phải tính đến các giải pháp vực dậy cho doanh nghiệp phát triển, và cần tạo ra thị trường để phần nào giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được kỳ vọng mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu, xâm nhập vào các thị trường mới tiềm năng, khi mà có đến 99% dòng thuế được xóa bỏ.
Hiện nay, việc phê chuẩn hiệp định EVFTA vẫn đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ. Hồ sơ đang được trình và đang lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ. Hy vọng Chính phủ sớm có được Nghị quyết chính thức thông qua bộ hồ sơ này để từ đó trình sang Chủ tịch nước và trình sang Quốc hội để có thể kịp cho phiên họp Quốc hội vào cuối tháng 5.
Ông Lương Hoàng Thái cho biết: “Dịch bệnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn. Chúng ta phải hướng đến dịch bệnh này qua đi cần có biện pháp giúp đỡ để doanh nghiệp nhanh hồi phục lại hoạt động của mình. Việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ nhằm tạo ra thị trường mới cho cộng đồng doanh nghiệp”.
Rõ ràng, ảnh hưởng của dịch bệnh đang làm nhiều doanh nghiệp đau đầu xoay sở để cầm cự. Do đó, sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong viêc giãn nợ, giãn thuế và giảm lãi suất; đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại ra các thị trường nước ngoài nhằm đa dạng hóa thị trường là những giải pháp cần thiết để vực dậy doanh nghiệp vợt khó khăn trong gian đoạn hiện nay. Còn về phía doanh nghiệp, cũng cần chủ động để tìm được những cơ hội cho mình từ trong bối cảnh khó khăn này./.