Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, nhưng sau khi trở lại bình thường mới, các doanh nghiệp dệt may ở TP Hồ Chí Minh đã kịp thời tăng tốc.
Mới đầu tháng đầu tiên của năm mới, nhưng Công ty May Sài Gòn 3 đã nhận được đơn hàng đến hết quý 2, tăng hơn 20% so với cùng kỳ các năm trước.
"Chúng tôi đang làm việc với khách về việc phát triển những đơn hàng và năng lực trong thời gian quý 3 và quý 4 năm 2022", bà Trương Thị Thanh Bình, Giám đốc Kế hoạch Kinh doanh Công ty May Sài Gòn 3, cho biết.
Dự báo nhu cầu dệt may trên thế giới sẽ tăng trưởng đã mang đến kỳ vọng một năm khởi sắc, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Lượng đơn hàng của Tổng Công ty 28, Tổng Cục Hậu cần trong năm 2022 cũng tăng hơn 25% so với các năm. Để tăng năng suất, đáp ứng đơn hàng, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho các thiết bị tự động hóa; đồng thời có chính sách chăm lo cho người lao động để không bị biến động lao động sau Tết.
"Chúng tôi vẫn chăm lo rất tốt cho cái Tết vừa rồi, nên lượng lao động quay lại làm việc bình thường sau Tết đạt 98%", ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 28, Tổng Cục Hậu cần, cho hay.
Theo đại điện Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, năm 2022 tình hình dịch bệnh trên thế giới đã được kiểm soát, nhu cầu mua sắm cũng tăng cao. Tuy nhiên điều quan trọng nhất khiến đơn hàng ngành dệt may tăng trưởng mạnh là do các đối tác trên thế giới có niềm tin rất lớn ở doanh nghiệp Việt Nam.
"Tình hình kinh tế - xã hội ổn định của Việt Nam mình tương đối ổn định so với các nước trong khu vực, tức là làm ăn bài bản, uy tín và rất ổn định về lao động, tạo niềm tin cho khách hàng", Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng nhận định.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nguồn lao động, ngành dệt may Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội, tăng kim ngạch xuất khẩu lên khoảng 44 tỷ USD.