Mặc dù việc thu phí cảng biển tại TP Hồ Chí Minh đã được tiến hành thu thử và chính thức bắt đầu từ ngày 01/4 vừa qua, song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp ngành logistics vẫn cho rằng việc này áp dụng quá sớm, khi doanh nghiệp chưa kịp phục hồi lại đầy đủ hoạt động kinh doanh sau tác động từ dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - CEO Blue Sea Transportation nhận định vấn đề thu phí cảng biển chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp ngành logistics. "Hàng hóa kinh doanh vừa mới bắt đầu lại chưa ổn định mà thu phí mức này, thời điểm này thì gây rất nhiều khó khăn cho khách hàng của chúng tôi, rất nhiều khách hàng của chúng tôi than thở về vấn đề này".
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, trong ngày đầu tiên áp dụng thu phí cảng biển là ngày 01/4, số tiền thu được là 8,25 tỷ đồng. Dự kiến nguyên năm 2022, thành phố sẽ thu 3.036 tỷ đồng, bình quân 8,32 tỷ đồng một ngày.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu mong muốn lùi thời gian tiến hành thu phí cảng biển
Không chỉ kiến nghị về thời điểm áp dụng thu phí, nhiều doanh nghiệp cũng nêu ý kiến mức thu không đồng đều giữa việc nộp tờ khai tại TP Hồ Chí Minh và nộp tờ khai tại địa phương khác. Bên cạnh đó, họ lo ngại tác động thu phí cảng biển thời điểm này khiến doanh nghiệp xuất khẩu thêm nhiều khó khăn, rất có thể phải kéo dài thời gian phục hồi khi thời gian vừa quá giá xăng dầu trong nước liên tục tăng, chi phí vận tải logistics cũng tăng theo thị trường xuất khẩu thế giới.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định trước mắt chưa thể đánh giá được tác động của việc tăng thêm phí với doanh nghiệp xuất khẩu ở thời điểm này, tuy nhiên ông cho rằng nó tác động tâm lý đến doanh nghiệp xuất khẩu. "Chi phí chỉ là một tỷ lệ trong giá thành, với nhiều người có thể nhìn nhận đây là con số nhỏ. Tuy nhiên với hoạt động xuất khẩu đang trong giai đoạn phục hồi thì giảm được dù là một đồng hay một số tiền bất kể nhiều ít thì ít nhiều nó cũng có tác động ít nhất là về mặt tâm lý. Ngoài ra nó còn liên quan đến sức cạnh tranh của sản phẩm nữa".
Việc thu phí cảng biển thời điểm này sẽ khiến doanh nghiệp XNK gặp nhiều khó khăn, phí chồng phí
Trước đó, vào đầu Tháng 3/2022 VASEP cùng 6 hiệp hội ngành nghề xuất khẩu khác gồm: Thực phẩm Minh bạch; Dệt may; Da giày - Túi xách; Sữa; Nhựa; Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ, đã đồng loạt kiến nghị với TP Hồ Chí Minh lùi thu phí cảng biển. Trong kiến nghị nêu, ảnh hưởng của dịch bệnh trong nửa cuối năm 2021 khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, các doanh nghiệp còn hoạt động phải đối mặt với nhiều khó khăn như nhân công, lãi vay, hàng hóa tồn đọng… Sang đầu năm 2022 tình hình giá cả đầu vào khiến việc sản xuất kinh doanh còn khó khăn hơn. Do đó, việc TP Hồ Chí Minh quyết thu phí cảng biển từ ngày 1/4, doanh nghiệp sẽ kiệt quệ. 7 hiệp hội cho rằng, thời điểm này, thành phố chưa nên triển khai thu các loại phí nói trên cho đến hết 31/12 để hỗ trợ doanh nghiệp.
Còn đại diện một doanh nghiệp logistic tại TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Mặc dù chúng tôi biết rằng thu phí này xong thì lấy phí này để cải tạo đường sá cho tốt lên nhưng thời điểm lúc này thực sự khó khăn cho doanh nghiệp khi mà giá xăng dầu tăng… Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ biết giảm giá phần nào để làm động thái tâm lý cho khách hàng, chia sẻ khó khăn này thôi. Rất nhiều doanh nghiệp mong muốn hết giãn hết năm nay, qua đầu năm sau mới áp dụng việc này".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !