Ông lớn cũng lãi lớn
Đầu tiên phải kể đến khoản lãi của Sacombank (STB), trong quý 3/2019 lợi nhuận sau thuế của STB đạt 772 tỷ đồng, tăng 373% so vời cùng kỳ năm ngoái nâng lũy kế 9 tháng đạt 1.923 tỷ đồng, cao hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Những thông tin báo lãi nghìn tỉ hay xử lí hàng chục nghìn tỉ nợ xấu của Sacombank có lẽ đã không còn quá bất ngờ đối với các cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường tài chính trong khoảng hai năm trở lại đây.
Có thể thấy sau một khoảng thời gian hoạt động sa sút với những hệ quả nặng nề để lại từ thời Trầm Bê, sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam và có sự gia nhập của ông Dương Công Minh, tình hình kinh doanh của Sacombank được đánh giá đã có nhiều chuyển biến.
Tiếp đó là khoản lãi 445 tỷ đồng của Cao su Phước Hòa (PHR), tăng mạnh đến 166% so với quý 3/2018. Tuy nhiên chủ yếu là nhờ tăng lợi nhuận từ hoạt động cho thuê hạ tầng KCN Tân Bình, lợi nhuận tài chính tăng hơn 55 tỷ nhờ tiền lãi gửi ngân hàng và phát sinh hơn 169 tỷ lợi nhuận khác do tăng tiền đền bù từ các dự án KCN… Kết quả, 9 tháng đầu năm Công ty đạt lãi trước thuế 795 tỷ đồng, tăng 67% và thực hiện được 64% chỉ tiêu năm.
Với xuất phát điểm là doanh nghiệp chuyên về sản xuất cao su từ năm 2008, PHR đang quản lý hơn 15.000 ha cao su tại Việt Nam và hơn 7.000 ha cao su tại Campuchia. Tuy nhiên, với định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Bình Dương, PHR sẽ lần lượt chuyển đổi công năng các vườn cây cao su của mình thành các dự án khác trong thời gian tới. Theo quy hoạch 2021-2025, diện tích thu hoạch cao su của công ty tại Việt Nam sẽ giảm xuống chỉ còn 5.000 ha, đồng nghĩa với việc 10.000 ha cao su còn lại sẽ được chuyển đổi công năng.
Một doanh nghiệp cao su khác là Cao su Đà Nẵng (DRC) công bố lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 đạt 81,7 tỷ đồng, gấp 2,6 lần lợi nhuận đạt được quý 3 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 169,7 tỷ đồng, tăng 60% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái, vượt 35% kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2019.
Lợi nhuận được chia từ các công ty con và thu nhập từ thoái vốn đầu tư đã giúp Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 đạt 306,9 tỷ đồng tăng cao so với con số 3,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt 375,6 tỷ đồng, tăng tuyệt đối 362,3 tỷ đồng. Theo dự báo, lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ năm 2019 của CII sẽ tăng 6,3 lần lên 696 tỷ đồng so với kết quả thấp năm 2018, nhờ dự án Riverpark, hợp nhất NBB và thu phí từ các dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Rạch Miễu Giai đoạn 2.
Đáng chú ý Năm Bảy Bảy cũng đã báo lãi đột biến sau khi về với CII nhờ các giao dịch tài chính. Quý 3/2019, dù doanh thu hoạt động chính giảm, Năm Bảy Bảy (NBB) vẫn báo lãi sau thuế 118 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Công ty báo lãi gần 351 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước. Tính đến hiện tại, CII đã sở hữu gần 60 triệu cổ phiếu NBB, tương đương tỷ lệ sở hữu lên đến 64,22% cổ phần. Trên thị trường, cổ phiếu NBB biến động khá mạnh, hiện giao dịch tại mức 21.050 đồng/cp.
Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đã công bố khoản lãi gộp từ sản xuất điện tăng 47 tỷ đồng so với quý 3/2018 và có khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái lãi 49,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 49,2 tỷ đồng đã giúp cho lợi nhuận sau thuế của NT2 đạt 162 tỷ đồng tăng 548%.
Nhiều doanh nghiệp báo lãi cao nhất lịch sử hoạt động
Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) lãi ròng hơn 155 tỷ đồng - Đây là kết quả một quý tốt nhất từ trước đến nay tại doanh nghiệp này chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu cho thuê hạ tầng KCN và doanh thu dự án khu dân cư Lộc An. Sau 9 tháng đầu năm, D2D lãi ròng hơn 238 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần kết quả cùng kỳ. Như vậy, doanh nghiệp này đã vượt 18% kế hoạch doanh thu và vượt 167% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2019. Trên sàn chứng khoán, D2D là một trong những cổ phiếu "nóng" nhất năm 2019 khi có thời điểm lên trên 90.000 đồng/cp (tính theo giá điều chỉnh), gấp 3 lần so với đầu năm.
Bao bì Biên Hòa (SVI) công bố lãi ròng 37,7 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ tương đương EPS đạt 2.582 đồng – Đây cũng là mức lãi ròng theo quý lớn nhất mà SVI đạt được trong lịch sử hoạt động của công ty. Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận tăng trưởng chủ yếu do tái cấu trúc, cắt giảm hiệu quả các chi phí hoạt động kinh doanh.
Điện lực Khánh Hòa (KHP) công bố LNST quý 3/2019 đạt 86,6 tỷ đồng cao gấp hơn 6 lần so với quý 3/2018 và cũng là con số lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty do cơ cấu giá mua điện theo mùa, công ty có sản lượng điện thương phẩm và giá bán bình quân cao (quý 3 là mùa nắng, các ngành kinh tế đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch, đặc biệt các ngành như du lịch, thuỷ sản là thời gian cao điểm nên hệ số phụ tải cao). Nhờ lãi lớn trong quý 3 đã giúp KHP xóa lỗ 6 tháng đầu năm đồng thời báo lãi 9 tháng vượt 21% mục tiêu cả năm 2019.
Ngoài ra còn một số khoản lãi rất đáng chú ý khác như Khoáng sản Bắc Kạn (BKC) nhờ doanh thu tăng mạnh giúp lãi ròng hơn 18 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 422 triệu đồng cùng kỳ - và cũng là số lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty, mặc dù lãi cao trong quý 3 nhưng 2 quý đầu năm BKC kinh doanh thua lỗ nên lũy kế 9 tháng lãi ròng của công ty mới chỉ đạt 5,6 tỷ đồng hoàn thành nửa mục tiêu cả năm 2019.
Tiếp đó VC2 và VC3 cùng nhau báo lãi lớn trong quý 3/2019 trong đó VC2 lãi hơn 18 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 755 triệu đồng cùng kỳ VC3 báo lãi 22 tỷ đồng cao gấp 7 lần cùng kỳ do ghi nhận doanh thu tự án Vinaconex 3 Phổ Yên. Bia Thanh Hóa (THB) báo lãi gần 11 tỷ đồng cao gấp 8 lần cùng kỳ trong đó lãi gộp tăng gấp đôi và có tới 40 tỷ đồng lãi từ hoạt động liên doanh liên kết.
Đáng chú ý một số doanh nghiệp ngành nước như Cấp nước Bến Thành (BTW), Cấp nước Chợ Lớn (CLW) và Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong đó BTW lãi hơn 15 tỷ đồng cao gấp gần 3 lần cùng kỳ nâng lãi 9 tháng đạt hơn 34 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty chỉ là lãi trước thuế 27,5 tỷ đồng; CLW báo lãi đạt gần 15 tỷ đồng cao gấp 2 lần cùng kỳ và vượt luôn tới 109 % kế hoạch cả năm 2019, SII tiếp tục có quý thứ 6 liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn tuy nhiên hoạt động liên doanh liên kết lãi lớn nên SII vẫn báo lãi hơn 14 tỷ đồng cao gấp gần 7 lần cùng kỳ.
Với việc lãi lớn trong quý 3/2019 đã giúp hầu hết các doanh nghiệp trong nhóm này báo lãi vượt xa kế hoạch kinh doanh cả năm 2019, tuy nhiên cũng có những trường hợp cá biệt như TCR vẫn lỗ lũy kế 9 tháng hay CSM mới chỉ hoàn thành được 29% mục tiêu.