Những khoản lỗ nghìn tỷ đến trăm tỷ ngay quý 1
Ngành hàng không được đánh giá là chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 khi lượng hành khách giảm sút trầm trọng. Vietnam Airlines được đánh giá là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 và theo báo cáo tài chính mới được công bố thì HVN chính thức báo lỗ 2.545 tỷ đồng cao hơn mức ước tính lỗ 2.400 tỷ đồng trong báo cáo gửi Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tháng 4. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là -2.589 tỷ đồng.
Không công bố con số cụ thể của mảng hàng không cũng như các mảng khác, FLC Group – sở hữu 52,11% cổ phần của Bamboo Airways - cũng báo lỗ trước thuế 1.887 tỷ đồng trong quý vừa qua. LNST của công ty mẹ -1.172 tỷ đồng. FLC cho biết hoạt động kinh doanh các mảng du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo lỗ ròng kỷ lục 2.348 tỷ - là đơn vị ngành dầu khí đầu tiên báo thua lỗ giữa khủng hoảng Covid-19 và giá dầu. BSR cho biết trong kỳ giá dầu thô chứng kiến đà suy giảm mạnh mẽ, từ 67 USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống còn 31,8 USD/thùng bình quân, giảm 47%.
Với ông trùm Petrolimex (PLX), là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý 1/2020, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho khiến PLX ước lỗ 572 tỷ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho.
Cùng cảnh ngộ, PV OIL (OIL) ghi nhận lỗ ròng 538 tỷ quý đầu năm; trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 423 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 31 tỷ đồng. OIL cho biết do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới làm cho sản lượng kinh doanh xăng nội địa giảm khoảng 11% so với cùng kỳ, sản lượng bán lẻ giảm 6%.
Góp mặt trong danh sách thua lỗ đáng chú ý là Masan Group, mặc dù doanh thu thuần của Masan tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và lên cao nhất lịch sử, đạt 17.638 tỷ đồng. Tuy nhiên, Masan lại báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng nguyên nhân là do hệ thống Vinmart, Vinmart+ lỗ gần 900 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Masan báo lỗ, kể từ quý 2/2014.
Do thị trường chứng khoán giảm sâu trong quý 1 dẫn tới giá trị danh mục chứng khoán kinh doanh mà MHC nắm giữ bị giảm sút, MHC đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh lớn khiến công ty lỗ ròng 127 tỷ đồng.
Khó khăn kéo dài khiến Đạm Hà Bắc (DHB) báo lỗ quý 1 lên tới hơn 360 tỷ đồng cao gấp 6,7 lần cùng kỳ trong khi đó do học viên không đến lớp vì Covid-19, đơn vị sở hữu chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English (IBC) báo lỗ 170 tỷ đồng trong quý 1.
Lỗ vì Covid-19, vì giá xăng rồi đến vì thị trường chứng khoán sụt giảm
Đầu tiên phải kể đến Habeco – "ông lớn" sở hữu thương hiệu bia Hà Nội và Trúc Bạch đã báo lỗ gần 98,3 tỷ đồng, nguyên nhân là do tác động kép của Covid-19 và Nghị định 100 cấm lái xe sau khi dùng bia rượu khiến sản lượng tiêu thụ trong ba tháng đầu năm sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.
Tiếp đó là Petec (PEG), quý 1 mặc dù doanh thu giảm 15% về 840,6 tỷ đồng; áp lực giá vốn khiến Công ty thua lỗ ròng hơn 47 tỷ, cùng kỳ lỗ hơn 4,5 tỷ đồng. Tổng Công ty Thanh Lễ (TLP) cũng lỗ ròng 67 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Tín Nghĩa (TID) báo lỗ gần 61 tỷ đồng, nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh của Tổng công ty ngay từ đầu năm đã bị ảnh hưởng đáng kể khi giá xăng dầu giảm nhiều đợt liên tục, tình hình thu hút đầu tư và thực hiện các hợp đồng cho thuê hạ tầng đã ký kết cũng tạm ngưng, thu mua xuất khẩu nông sản và kinh doanh thức ăn chăn nuôi tiếp tục khó khăn.
Nhóm doanh nghiệp ngành thủy điện cũng gặp khó trong quý 1 do tình trạng hạn hán, mưa ít xảy ra ở nhiều vùng, kết quả là Thủy điện A Vương (AVC) báo lỗ ròng 31,3 tỷ đồng; Thủy điện Hủa Na (HNA) lỗ 78 tỷ đồng, Thủy điện Miền Nam (SHP) lỗ gần 5,6 tỷ đồng, Thủy điện Sử Pán 2 (SP2) lỗ 13,4 tỷ đồng…
Ngoài ra còn có khoản lỗ đáng chú ý trong quý 1 của Hoàng Anh Gia Lai (HAG), do áp lực chi phí lãi vay lớn khiến HAG báo lỗ 78 tỷ đồng ngay quý đầu tiên của năm 2020. Trong "tâm thư" của người đứng đầu doanh nghiệp, bầu Đức có viết: Các khoản lỗ từ chuyển đổi cơ cấu vườn cây sẽ giảm dần và HAGL đang nỗ lực để có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất
Một nhóm khác cũng rất đáng chú ý đó là các công ty chứng khoán, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị cổ phiếu sụt giảm khiến các CTCK phải đánh giá giảm các tài sản tài chính hoặc cắt lỗ đối với danh mục tự doanh, liên tiếp các báo cáo lỗ đã được công bố.
Trong đó Vietinbank Securities (CTS) báo lỗ lớn nhất trong nhóm này khi lỗ xấp xỉ 92 tỷ đồng - Đây cũng là quý có kết quả tệ nhất của Vietinbank Securities từ trước tới nay. Tiếp đó tự doanh cũng là mảng gây ra "cú đòn chí mạng" khiến VDS lỗ hơn 88 tỷ đồng và ACBS lỗ gần 31 tỷ đồng.
Chứng khoán BOS (ART) cũng báo lỗ ròng hơn 38 tỷ đồng trong quý 1/2020 do tự doanh lỗ nặng, nhất là với cổ phiếu ROS trong khi Chứng khoán Thiên Việt (TVS) lỗ ròng gần 80 tỷ đồng. Trường hợp của CTCK FPT (FPTS) lại có phần khác biệt khi báo lỗ gần 87,5 tỷ đồng trong quý 1 phần nhiều do đánh giá lại các tài sản tài chính (chủ yếu là khoản đầu tư vào MSH) dẫn tới phải ghi lãi tài sản FVTPL âm hơn 133,6 tỷ đồng.
Những cái tên lần đầu báo lỗ
Thiên Long Group lỗ ròng gần 20 tỷ đồng; đánh dấu quý kinh doanh thua lỗ đầu tiên của TLG kể từ năm 2010. Phía Tập đoàn cho biết, do dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, các trường học đóng cửa trong thời gian dài và giãn cách xã hội diễn ra ở nhiều nơi, nên việc tiêu thụ sản phẩm đã chậm lại đáng kể. Khoản lỗ 170 tỷ đồng trong quý 1 năm 2020 của Apax Holdings - IBC ghi nhận quý đầu tiên IBC báo lỗ từ khi niêm yết.
Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cũng gây bất ngờ khi báo lỗ ròng 37 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 58 tỷ đồng. Theo giải trình, do tình hình khó khăn chung của thị trường, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến doanh thu nên lợi nhuận sau thuế giảm mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 và quý 1 thường là quý thấp điểm của các công ty BĐS khiến Bất động sản Netland (NRC) kinh doanh thua lỗ - Đây cũng là quý đầu tiên kể từ khi niêm yết NRC báo lỗ.
Ảnh hưởng của dịch Covid – 19 cùng các nỗ lực giữ thị trường chăn ga và sự tăng lên của tỷ giá hối đoái đã khiến chi phí của Everpia (EVE) tăng cao và chịu lỗ gần 12 tỷ đồng trong quý 1. Doanh thu sụt giảm trong khi chi phí vẫn ở mức cao khiến May Việt Tiến (VGG) lần đầu báo lỗ 22 tỷ đồng.
Đến những khoản lỗ kinh niên
Lỗ quý 1 cao nhất trong nhóm này là Đạm Hà Bắc (DHB), quý 1 báo lỗ lên tới hơn 360 tỷ đồng cao gấp 6,7 lần so với khoản lỗ của quý 1/2019. Với mức vốn điều lệ 2.722 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc là một trong doanh nghiệp sản xuất phân bón có quy mô vốn điều lệ lớn. Tuy nhiên, kinh doanh thua lỗ liên tục trong 5 năm qua khiến lỗ lũy kế đến cuối quý 1/2020 tiếp tục tăng lên 3.649 tỷ đồng, vượt 34% vốn điều lệ; vốn chủ sở hữu hiện đã âm hơn 880 tỷ đồng.
Con thuyền Vintranstrart (VST) cũng đã "ca bài ca" thua lỗ liên tục trong 8 năm qua, năm 2020 công ty dự kiến lỗ tiếp 273 tỷ đồng và ngay quý 1 VST đã báo lỗ hơn 83 tỷ đồng. Kiểm toán đã đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tuy vậy, lãnh đạo công ty vẫn khẳng định sẽ hoạt động liên tục trong các năm tài chính tiếp theo.
Một doanh nghiệp hàng hải khác là Hàng hải Đông Đô (DDM), DDM báo lỗ quý 1 gần 31 tỷ đồng cao gấp 3 lần khoản lỗ cùng kỳ. Trong khi kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động, DDM cho biết dòng tiền được tạo ra vẫn đang dương và tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của công ty. Tình trạng thua lỗ của DDM cũng đã kéo dài từ năm 2012 đến nay.
Thuận Thảo (GTT) cũng báo lỗ ròng gần 42 tỷ đồng trong quý 1. Khó khăn của Thuận Thảo đã diễn ra từ năm 2014, suốt giai đoạn 2014 – 2019 khiến doanh nghiệp này liên tục báo lỗ và dự kiến năm 2020 sẽ lỗ thêm 160,5 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có 2 doanh nghiệp thép cũng đã báo lỗ trong nhiều quý gần đây là Thép Việt Ý (VIS) báo lỗ 41,7 tỷ đồng trong quý 1 - quý thứ 8 liên tiếp thua lỗ nâng tổng lỗ lũy kế lên 586 tỷ đồng. Thép Dana Ý (DNY) cũng đã báo lỗ thêm quý thứ 5 liên tiếp số tiền âm 44 tỷ đồng trong quý 1/2020, vốn chủ sở hữu đã âm 126 tỷ đồng. POM cũng báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp với con số âm 55,7 tỷ đồng.
Hay trường hợp lỗ quý thứ 5 liên tiếp của BOT Cầu Thái Hà, doanh nghiệp này báo lỗ thêm 41 tỷ đồng trong quý 1 nâng tổng lỗ lũy kế lên 210 tỷ đồng, giá cổ phiếu vẫn duy trì rất cao. Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) cũng đã báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp với con số âm 45 tỷ đồng nâng lỗ lũy kế của FTM đã lên gần 91 tỷ đồng.