Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho biết, trong hoạt động thường niên của USABC, tuần này có 2 đoàn doanh nghiệp thăm Việt Nam: Đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm lãnh đạo 28 công ty thông tin truyền thông, công nghệ, dịch vụ tài chính, năng lượng, khoa học đời sống, y tế, với những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu như General Motors, Cocacola, ExonMobil, Facebook, Google, Netflix, Discovery, Bank of America, Visa, FedEx... Thứ hai là đoàn gồm 20 doanh nghiệp dược phẩm, y tế Mỹ.
Đoàn doanh nghiệp cấp cao sẽ có các buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội và nhiều Bộ, Ban ngành của Việt Nam với các đề xuất nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và xác định cơ hội đầu tư kinh doanh mới ở Việt Nam. Gặp gỡ báo chí sáng 3/3 tại Hà Nội, Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực của USABC, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi rất vinh dự được đến Việt Nam đúng năm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Mỹ. Đây là một đoàn doanh nghiệp lớn, thể hiện cam kết của các nhà đầu tư Mỹ với Việt Nam".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ của USABC tổ chức thăm Việt Nam tháng 3/2019. Ảnh: TTXVN.
Chuẩn bị cho thời hậu Covid-19
Chuyến thăm của đoàn diễn ra lúc dịch Covid-19 đang lan rộng. Ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của USABC, cho biết các doanh nghiệp, các chính phủ nước ngoài đánh giá cao việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, qua đó cho thấy khả năng của Việt Nam xử lý các vấn đề phức tạp không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà có giải pháp tổng thể với nhiều vấn đề.
“Chúng tôi đánh giá cao năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ cũng phản ứng nhanh nhẹn của với các đề xuất của các nhà đầu tư”, ông Feldman nói.
Ông cũng cho biết, dịch Covid-19 do virus corona đã ảnh hưởng nhiều đến việc làm ăn của các công ty thành viên USABC tại Việt Nam, có những công ty ảnh hưởng tới 50 - 60% doanh thu trong tháng Hai. Đoàn sẽ đề xuất với Chính phủ Việt Nam các biện pháp khắc phục hậu quả của dịch.
"Chúng tôi cho rằng đây không phải lúc co cụm lại, mà cần chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ sau khi dịch đi qua", ông Feldman nói. Nhiều công ty đã và đang tìm đến Việt Nam do có sự chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN và Việt Nam, vì vậy thách thức với Việt Nam là chuẩn bị những chính sách tạo điều kiện cho thị trường mở, Việt Nam sẽ quản lý nhà nước thế nào với những mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, kinh tế sáng tạo. Ngoài ra, đoàn sẽ đề xuất với chính phủ tăng cường sự minh bạch trong mua sắm, đấu thầu, tiếp tục cải cách hành chính, các chính sách hướng tới thị trường mở.
Đại sứ Michalak cho biết thêm, một số công ty Mỹ đang gặp khó khăn trong chuỗi cung cấp từ Trung Quốc bị đình trệ vì dịch Covid-19, song với kinh nghiệm kinh doanh cả trăm năm, các doanh nghiệp Mỹ xử lý rất bài bản, bình tĩnh và họ hy vọng chia sẻ kinh nghiệm đó với Việt Nam.
Xu hướng tăng đầu tư của Mỹ rõ rệt
Về triển vọng lâu dài, các công ty Mỹ rất tin tưởng vào triển vọng kinh tế của Việt Nam, năng lực điều hành của Chính phủ và mong muốn làm ăn lâu dài tại đây.
"Xu hướng tăng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam rất rõ rệt", Đại sứ Michalak nói. Nhiều công ty Mỹ đã có kế hoạch vào Việt Nam ở nhiều cấp độ: Chẳng hạn công ty Ford có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Hải Dương, General Electrics muốn mở rộng kinh doanh ở Hải Phòng, một số công ty năng lượng sẽ tăng cường đầu tư trong lĩnh vực khí hóa lỏng, các công ty y tế, dược phẩm đang thúc đẩy thủ tục để vào Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều công ty công nghệ ở Silicon Valley đã có kế hoạch chuyển mảng sản xuất thiết bị vào Việt Nam, trực tiếp hoặc qua công ty thứ ba. Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc USABC tại việt Nam kể lại, trong năm 2019, các công ty này đã cử các đoàn cấp cao đến Việt Nam và USABC đã kết nối để họ gặp gỡ các cơ quan quản lý, cac doanh nghiệp. Nhiều công ty muốn có thương hiệu xanh nên họ đã kết nối với doanh nghiệp năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đem lại những cơ hội mới cho khu vực này.
Cũng theo ông Tú Thành, các tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart, Target muốn nhập hàng hóa Việt Nam nhiều hơn, do vậy thời gian tới chuỗi cung ứng ở Việt Nam sẽ thay đổi mạnh.
Nhiều công ty dịch chuyển sang Việt Nam và có kế hoạch tăng nhập khẩu nguyên liệu vào Việt Nam, vì thế cũng sẽ cần xây dựng những trung tâm hậu cần lớn.
“Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất khó khăn khi quyết định đầu tư và vào thị trường Việt Nam. Nhưng khi đã làm ăn ở đây, họ có cam kết rất cao”, ông Thành nói.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC Alexander Feldman, nhận xét 27 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, hai nước đã đi được chặng đường dài. Các công ty Mỹ luôn ủng hộ quan hệ với Việt Nam vì họ nhìn thấy rõ cơ hội của mình tại thị trường này.
"10 năm trước, chúng tôi còn thấy ở đây những bất ổn kinh tế như lạm phát, đồng tiền lao dốc. Đến nay năng lực điều hành của chính phủ đã được thể hiện rất tốt. Các chỉ số tài khóa, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo lòng tin giữa hai bên và sự lạc quan về quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới", ông Feldman nói.